Mùa đông là thời điểm bé dễ bùng nổ viêm tiểu phế quản nhất.
Nguyên nhân
Viêm tiểu phế quản có thể là một biến chứng của nhiễm virus hoặc do bé bị cảm thông thường.Viêm tiểu phế quản xảy ra khi đường nhánh nhỏ nhất của phổi bị sưng lên và bị bịt kín với chất nhầy. Từ đó, không khí khó lưu thông và bé cũng khó thở được.
Một trong những nguyên nhân của viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đây cũng là loại virus gây nhiễm trùng tai, viêm tắc thanh quản, viêm phổi và thậm chí cả các vấn đề hô hấp (như hen suyễn)… Vì vậy, nếu mẹ nghi ngờ bé viêm tiểu phế quản, mẹ nên đưa con đi khám ngay lập tức.
Virus cúm cũng có thể gây bệnh viêm tiểu phế quản cho bé. Các trường hợp bé bị bệnh tim bẩm sinh (sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh hay bị suy giảm miễn dịch) đều có nguy cơ cao mắc phải viêm tiểu phế quản. Các nghiên cứu cũng cho thấy, có mối liên quan giữa viêm tiểu phế quản với bệnh hen ở bé.
Phân biệt bé mắc viêm tiểu phế quản với cảm lạnh
Khi mới khởi bệnh, viêm tiểu phế quản cũng có những triệu chứng giống cảm lạnh. Chẳng hạn, bé bị ngạt hay sổ mũi; bé bị ho, sốt. Nhiều khi mẹ khó phân biệt được đâu là viêm tiểu phế quản, đâu là cảm lạnh ở bé. Bởi vậy, nếu bé ho, sốt kéo dài, mẹ nên đưa bé đi khám ngay.
Đặc biệt, các trường hợp bé bị suy hô hấp, mẹ càng phải nhanh chóng đưa bé đi khám:
– Cánh mũi bé phập phồng khi thở.
– Bé thở gây co rút xương sườn theo từng nhịp thở.
– Bé khò khè.
– Môi và móng tay xanh là dấu hiệu bé bị thiếu oxy.
Viêm tiểu phế quản rất nghiêm trọng với bé sơ sinh: Ở bé sơ sinh, do đường hô hấp còn nhỏ nên khi bị viêm tiểu phế quản, bé càng khó thở hơn. Ở những bé dưới 1 tuổi, viêm tiểu phế quản sẽ nhanh chóng xấu đi, gây khó khăn cho hô hấp. Viêm tiểu phế quản là nghiêm trọng nếu bé:
• Bị rối loạn hô hấp.
• Bé mắc bệnh tim bẩm sinh.
• Bé giảm khả năng miễn dịch do bệnh tật hoặc thuốc.
• Bé sinh non (trước 32 tuần).
• Bé có trọng lượng sơ sinh thấp.
Các trường hợp nghiêm trọng nhất xảy ra ở bé dưới sáu tháng.
Chăm sóc bé viêm tiểu phế quản
– Mẹ nên cho bé bú mẹ thường xuyên. Với bé đã ăn dặm thì mẹ có thể bổ sung nước uống cho bé. Khi khó thở bé sẽ lười ăn. Bởi vậy, mẹ nên cho bé ăn những bữa ngắn, ít nhưng thường xuyên.
– Nếu bé bị ngạt mũi, mẹ nên kê cao đầu cho bé khi ngủ.
– Mẹ có thể sử dụng máy tạo hơi nước trong phòng giúp cải thiện hô hấp cho bé.
– Mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút mũi cho bé.
– Mẹ nên cách ly bé khỏi môi trường có khói thuốc lá.
– Cách ly bé sơ sinh bị bệnh ra khỏi sơn mới, đồ gỗ mới và khói vì chúng có thể làm cho bé thở khó khăn hơn. Khói từ các que hương (hoặc các loại hương chống muỗi) có thể gây ra kích ứng cho bé.
Phòng tránh
Viêm tiểu phế quản có thể lây lan qua tiếp xúc cơ thể (ví dụ ở nhà trẻ, ở nhà…). Các virus có thể sống trên bàn tay và bề mặt tới 6 tiếng. Vì thế, rửa tay thường xuyên với nước ấm và xà phòng chống khuẩn (nhất là khi giữ bé) là điều quan trọng.
Nếu bé sinh non, cố gắng hạn chế số người đến thăm bé cho đến khi bé được 2 tháng tuổi. Tránh cho bé tới những chỗ đông đúc và có người bị bệnh.
Mẹ nên cho bé bú mẹ tới năm 2 tuổi.
Mẹ nên giữ để bé không bị lạnh, nhất là trong mùa đông. Giữ cho môi trường sống của bé được trong lành.
Những bé đã mắc bệnh tim, phổi cần được chăm sóc cẩn thận.
Theo mevabe.net