Có những thói quen của bố mẹ làm ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của trẻ nhưng bố mẹ vô tình không nhận ra. Điều đáng nói là rất nhiều bố mẹ mắc những sai lầm này.
1. Bố mẹ không kiềm chế được cảm xúc
Thông thường những cảm xúc ở đây thường mang tính tiêu cực như cáu giận, giận dữ hay bực tức. Dù khi còn trẻ bạn có thể bật khóc hoặc gào thét để giải tỏa những bức xúc trong lòng. Nhưng khi đã là bố mẹ, bạn nên học cách kiềm chế những cảm xúc tiêu cực của mình.

Có thể bạn gặp nhiều căng thẳng và bức xúc ở nơi làm việc, bạn đau đầu khi phải đối phó với chứng ương bướng của trẻ lên ba, song không vì vậy mà bạn có thể hét lên với con khi gặp những chuyện khó chịu.
Bởi trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn nếu gặp những chuyện như vậy. Và sau này khi gặp chuyện không vừa lòng, bé không biết giải quyết thế nào ngoài cách hét lớn, khóc lóc và bực dọc.
Hoặc sẽ có lúc trẻ có thể “đáp trả” lại với bạn y như thế. Bởi trẻ có xu hướng bắt chước và chịu sự ảnh hưởng từ những hành vi, thái độ của người lớn cho nên trước tiên bố mẹ cần tránh những phản ứng tiêu cực trong khi xử trí con mình.
Hãy luôn giữ thái độ bình tĩnh, ôn tồn và mềm mỏng khi khuyên răn con trẻ sẽ là một giải pháp hiệu quả hơn bởi tất cả trẻ con đều đáp ứng tốt với những yêu cầu hay mệnh lệnh nhẹ nhàng.

2. Luôn coi con là trẻ con và không cần biết
Dù bạn muốn bảo vệ con và luôn muốn con gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng nên để con trong “lồng kính” mà quên mất rằng sau này trẻ cũng phải đối mặt với thực tế đầy khó khăn.
Thế nên có những chuyện mẹ đừng nên che giấu con, đặc biệt là mặt cảm xúc. Bạn có thể chia sẻ với con theo chiều hướng nhẹ nhàng hơn và giải thích cho bé hiểu những nỗi lo lắng và căng thẳng trong lòng mình.
Trẻ sẽ học được rằng có rất nhiều điều khó khăn mà bố mẹ đang gặp phải, trẻ cần biết chia sẻ và cảm thông hơn. Ngoài ra trẻ cũng học được từ bố mẹ cách đối phó với những tình huống không như ý.

Chính sự chia sẻ của bố mẹ sẽ giúp trẻ yên tâm hơn và không phải sống trong hồ nghi vì không hiểu có chuyện gì đang xảy ra với bạn, liệu nguyên nhân làm mẹ buồn có phải do mình hay không. Dần dà, bé sẽ trở nên khép kín, không biết cách sẻ chia và che giấu cảm xúc y chang ba mẹ đấy.
3. Xem trẻ là người lớn
Đây là một sai lầm mà nhiều người đang mắc phải vì muốn con luôn tự lập. Bố mẹ nhầm lẫn rằng sự tự lập của con chỉ đúng với lứa tuổi con, chứ không thể bắt con hành xử và suy nghĩ như một người lớn được.
Vì vậy, dù bạn luôn muốn bé biết rằng bé có tiếng nói riêng trong gia đình, và bố mẹ tôn trọng ý kiến của bé thì không có nghĩa là bé ngang hàngvới bố mẹ trong mọi việc. Đừng nên coi trẻ là người lớn mà có tự do muốn làm gì thì làm. Con cái vẫn cần phải phục tùng theo những quy tắc hay sự phân công của bố mẹ nhất là trong công việc nhà.
4. Yêu cầu kiểu câu hỏi
Bạn đã bao giờ nhìn lại cách mình yêu cầu con làm một điều gì đó chưa. Bởi đấy có thể là lý do mà bé mãi không nghe lời và đang làm bạn nổi đóa lên. Bởi kiểu yêu cầu theo kiểu câu hỏi: “Con có thể…?” luôn khiến bé bỏ qua câu đề nghị của bạn, bởi bé cũng có thể trả lời “Không”.

Thay vào đó bạn nên đưa ra yêu cầu rõ ràng “Dọn đồ chơi của con đi”, “Tắt tivi ngay bây giờ”. Mẹ cũng có uy nghiêm của mình, và chỉ bằng cách này trẻ mới học cách ngoan ngoãn “tuân lệnh” mà thôi.
5. Luôn chỉ trích con
Bạn luôn nhìn thấy sai lầm của con và muốn con hoàn thiện hơn bằng cách khắc phục những lỗi đó. Bạn bỏ qua những điểm tích cực của con và xem đó là điều đương nhiên. Đấy không phải là cách giúp trẻ ngày càng tự tin và có ý thức phấn đấu hơn, bởi lúc nào trẻ cũng sợ phải nghe phán xét, chỉ trích từ bạn.
Đến một lúc nào đó, trẻ sẽ mất kiên nhẫn và không còn hứng thú phấn đấu nữa, vì theo trẻ có thế nào bố mẹ cũng sẽ không vừa lòng. Ai mà không thích khen ngợi? Trước khi phê bình con, bạn nên động viên bé với những ưu điểm trước, sau đó nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu những khiếm khuyết bé vẫn mắc phải. Có như vậy, trẻ mới học cách phấn đấu toàn diện hơn.