Kẽm là một vi khoáng được chứng minh có vai trò quan trọng đặc biệt cho phát triển chiều cao, cơ bắp, thần kinh và miễn dịch của trẻ những năm đầu đời của trẻ.

Nhiều trẻ em thấp còi do thiếu kẽm
Theo kết quả từ cuộc điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cho thấy tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 29%, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 14% và 51% trẻ thiếu kẽm. Đây là thông tin vừa được Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra trong sự kiện hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi tổ chức chiều 1/12 tại Hà Nội.

Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu thiếu kẽm thường thấy là ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành và bất lực. Thiếu kẽm cũng gây ra sụt cân, thiếu máu, chậm lành vết thương và kém minh mẫn…

Cần ăn thức ăn đa dạng
Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1 – 10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ, phụ nữ mang thai cần 15mg/ngày, cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6 – 12 tháng cần 16mg kẽm mỗi ngày. Lượng kẽm được hấp thu khoảng 5mg/ngày.
Để bổ sung thêm kẽm cho trẻ, các chuyên gia cho rằng kẽm có trong thức ăn động vật. Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..). Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2 – 3 mg/lít), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4 mg/ngày. Do đó, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.
Theo Sức khỏe đời sống