Không ăn rau có thể khiến trẻ mắc bệnh táo bón, thiếu vitamin, lười ăn, giảm khả năng miễn dịch, và dễ mắc bệnh.
Táo bón
Trong rau xanh có nhiều xenlulozơ hay thường gọi là chất xơ có vai trò rất quan trọng cho tiêu hóa của trẻ. Chất xơ giúp làm tăng thể tích thức ăn chứa trong ruột nhờ đó mà chúng có thể liên kết với một lượng nước lớn từ đó giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn. Chúng còn kích thích nhu động ruột, giúp phân nhanh chóng bị loại bỏ khỏi cơ thể. Thiếu rau sẽ khiến trẻ dễ bị táo bón, hay mắc các bệnh về tiêu hóa.
Thiếu vitamin và khoáng chất
Hầu hết vitamin không tự tổng hợp được từ cơ thể mà phải cung cấp bên ngoài, nhất là trong rau, củ, quả. Ví dụ: Vitamin C giúp tăng cường hấp thụ sắt, protein, lipid… thành năng lượng, vitamin nhóm B tạo ra một loại enzyme đồng hóa đường, kích thích ngon miệng. Chính vì vậy, để trẻ hấp thu tối đa dưỡng chất cũng như phát triển thể chất toàn diện, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ các thực phẩm này trong khẩu phần ăn của con.
Giảm khả năng miễn dịch
Trái cây và rau quả giàu các thành phần chống oxy hóa (chẳng hạn như vitamin C, beta-carotene). Nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng chất này, các gốc tự do trong cơ thể sẽ có cơ hội phát triển. Lượng dinh dưỡng không cân bằng sẽ làm giảm miễn dịch, khiến bé dễ bị bệnh.
Viêm đường ruột
Rau xanh có chứa nhiều chất xơ và vitamin giúp thúc đẩy phát triển các vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Nếu bé không chịu ăn rau mà chỉ ăn thịt sẽ làm cho các vi khuẩn có lợi yếu dần đi, trong khi đó các vi khuẩn có hại lại mạnh lên khiến bé bị viêm và mắc bệnh đường ruột.
Lượng rau trẻ cần ăn mỗi ngày:
Từ 7 – 12 tháng tuổi, mỗi bữa ăn trẻ cần 20g. Từ 1 – 2 tuổi, mỗi bữa ăn là 30g. Nên thay đổi đa dạng các loại rau để trẻ ăn ngon miệng, nên cho trẻ ăn cả cái chứ không nên luộc lấy nước. Từ 3 tuổi trở lên, rau xanh cần được nấu riêng dạng canh hoặc xào để làm thức ăn cho trẻ chan cơm. Nếu ăn cháo, mì,…vẫn phải thái rau cho vào các bữa ăn của trẻ, ở tuổi này mỗi bữa ăn khoảng 40 – 50g.
Cách hay để khuyến khích bé ăn rau:
– Ép thành nước để uống: Ép rau xanh chung với các loại quả ngọt, thêm một chút đường hay mật ong, cũng sẽ giúp các núm vị giác của trẻ tiếp xúc với vị rau một cách từ từ và dễ chịu hơn.
– Giấu rau trong những thực phẩm khác: Bánh mì với salad, pizza rau củ, bánh bí đỏ… là những món mà bạn có thể kết hợp các nguyên liệu khác và rau.
– Cho trẻ tham gia vào quá trình chế biến rau cho cả nhà: Mẹ có thể khuyến khích trẻ bằng cách nhờ trẻ nhặt rau, rửa, tỉa tót các loại củ thành hình thù chúng thích bằng dụng cụ an toàn.
– Trong quá trình chế biến có thể gợi ý bé ăn thử, hoặc cho bé ăn nếu bé cảm thấy thích.
– Khuyến khích các thành viên trong gia đình ăn rau để kích thích trẻ và làm cho trẻ hiểu rằng, ăn rau cũng cần thiết như ăn cơm, ăn thịt.
– Bày trí rau cùng với thức ăn thành những hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu để kích thích trẻ.
Theo Yeutretho/Người Đưa Tin