Răng sữa là hệ răng tồn tại trong khoảng thời gian từ 6 tháng cho đến 12 tuổi và sau đó được thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn. Răng sữa có kích thước nhỏ hơn so với những chiếc răng bình thường khác và có màu trắng hơn.
Răng sữa có vai trò rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa mà vấn đề này cần được chú ý đối với những năm đầu đời của trẻ. Răng sữa còn góp phần kích thích sự phát triển của hệ xương hàm, giúp cho mặt sọ phát triển một cách bình thường. Ngoài ra, nếu bị mất răng sữa, trẻ sẽ rất khó để phát âm một số âm thanh và đặc biệt, hệ răng sữa cũng có tác dụng rất lớn về phương diện thẩm mỹ sau này khi trẻ lớn lên.
Chính vì những lý do đó mà các bậc phụ huynh và người lớn cần có cách hiểu và chăm sóc đúng đắn đối với hệ răng này của trẻ. Tuy nhiên, vẫn có không ít quan niệm sai lầm về vấn đề này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
1. Trẻ em không cần đánh răng vì răng của chúng thưa, không bị giắt thức ăn
Thực tế, răng trẻ chỉ thưa khi số lượng còn ít. Đến 2 tuổi rưỡi, trẻ đã có đủ 20 chiếc, răng cũng đã khít vào nhau. Răng càng khít, nguy cơ sâu càng cao, nước bọt (chứa chất vô hiệu hóa vi khuẩn) sẽ không rửa hết các mặt răng nên cần dùng bàn chải để làm sạch các chất bám. Hãy mua cho trẻ 2 bàn chải có màu khác nhau (một cho buổi sáng, một cho buổi tối) và để trẻ tự đánh theo cha mẹ. Bàn chải của trẻ phải có phần đầu không lớn và lông mềm. Để lông mềm hơn, có thể luộc qua bàn chải.
2. Thuốc đánh răng có thể gây hại cho trẻ vì chúng chỉ nuốt chứ không nhổ
Bạn không cần lo ngại như vậy nếu khi trẻ bắt đầu tập đánh răng, bạn cho con dùng loại kem dành cho trẻ em. Loại này có vị ngọt, mùi dễ chịu và nếu trẻ nuốt một chút cũng không sao. Khi đã quen với việc đánh răng, cần chuyển từ loại kem vệ sinh như trên sang loại kem phòng chữa bệnh (chứa canxi, fluor, phốt pho).
3. Răng sữa không đau khi bị sâu vì không có dây thần kinh
Trong răng sữa cũng có dây thần kinh, vì vậy trẻ cũng sẽ đau khi răng bị bệnh. Ở một số trẻ, răng sữa hỏng rất nhanh nên cảm giác đau không kịp xuất hiện. Việc cảm thấy đau là một điều tốt vì nó là tín hiệu nhắc bạn đưa con đến bác sĩ.
4. Chỉ khi răng vĩnh viễn mọc lộn xộn thì mới cần chỉnh hình, còn răng sữa thì không sao
Hiện có đến 60% trẻ cần được chỉnh hình răng ở các mức độ khác nhau. Đa số trẻ nhỏ có hàm hẹp do số răng vĩnh viễn nhiều gấp rưỡi số răng sữa nên hàm sẽ phải phát triển thêm cả chiều dài lẫn chiều cao. Trẻ 4 tuổi đã phải có khoảng trống giữa các răng sữa. Tuy nhiên, nhiều trẻ không đạt yêu cầu này do không được luyện hàm (ăn thực phẩm quá mềm, nhuyễn).
Trẻ cần được bác sĩ chỉnh hình xem hàm và xem răng có mọc sít quá hay không. Nếu có, chúng phải được chỉnh răng bằng các miếng chất dẻo, chi phí thấp. Nếu để đến khi lớn hơn mới chỉnh răng, bác sĩ phải dùng hệ thống nẹp, rất đắt tiền. Những trường hợp răng thưa quá cũng phải chỉnh. Và dù răng con bạn không có vấn đề gì, bạn vẫn cần cho trẻ đến khám ở bác sĩ nha khoa mỗi năm 2 lần.
5. Chỉ có thể chăm sóc răng khi trẻ đủ lớn
Thực phẩm của người mẹ mang thai và của trẻ cho đến khi 14 tuổi cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ. Do đó, muốn có hàm răng đẹp, trẻ phải được chăm sóc ngay từ khi nằm trong bụng mẹ. Người mẹ cần thực hiện chế độ dinh dưỡng thai nhi tốt, đầy đủ chất cần thiết cho sự phát triển hàm răng đẹp, khỏe của trẻ sau này như canxi, các loại vitamin có trong thức ăn.
Có nhiều trẻ sinh ra kết cấu răng không đủ vững chắc do trong quá trình mang thai, người mẹ không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất có lợi cho răng. Vì thế, khi sinh nở, không chỉ chất lượng hàm răng của người mẹ bị giảm sút mà chất lượng răng của trẻ cũng bị ảnh hưởng, làm cho răng của trẻ dễ bị vi khuẩn tấn công gây sâu răng.
Theo Benh.vn