LỐI SỐNG VÀ ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ
Vì ADHD mang tính phức tạp và mỗi người bị ADHD là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai, vì vậy rất khó để đưa ra những khuyến cáo chung có hiệu quả với tất cả trẻ mắc ADHD. Tuy nhiên, một số đề nghị sau đây có thể giúp tạo ra một môi trường góp phần thành công trong cải thiện bệnh của con bạn.
Khi trẻ ở nhà
- Thể hiện nhiều tình cảm yêu thương đối với trẻ. Trẻ cần được biết chúng được yêu thương và được đánh giá cao nhiều như thế nào. Việc bạn chỉ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực trong hành vi của trẻ có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa bạn và trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ. Nếu con bạn khó tiếp nhận những ngôn từ yêu thương bằng lời nói, thì những cử chỉ như một nụ cười, một cái vỗ nhẹ trên vai hoặc một cái ôm cũng có thể cho trẻ thấy sự quan tâm của bạn. Tìm kiếm những hành vi tốt của trẻ để khen ngợi trẻ thường xuyên.
- Hãy dành nhiều thời gian cho trẻ. Hãy cố gắng để chấp nhận những phần xấu và đánh giá cao những phần tốt trong tính cách của con bạn. Cách tốt nhất để làm được điều này chỉ đơn giản là dành nhiều thời gian cùng trẻ. Đây là khoảng thời gian riêng tư không nên có sự can thiệp của những người khác. Cố gắng mang lại cho con bạn sự quan tâm tích cực hơn là tiêu cực mỗi ngày.
- Tìm cách để cải thiện lòng tự trọng và ý thức kỷ luật của trẻ. Trẻ em mắc ADHD thường làm rất tốt các đề án về nghệ thuật, những bài học âm nhạc hoặc khiêu vũ, hoặc các lớp học về võ thuật, như karate hoặc taekwondo. Nhưng đừng bắt ép trẻ thực hiện các hoạt động nằm ngoài khả năng của trẻ. Tất cả trẻ em đều có sở thích và tài năng chuyên biệt vốn cần được phát hiện và nuôi dưỡng. Những thành công nhỏ thường xuyên sẽ giúp xây dựng lòng tự trọng ở trẻ.
- Làm việc có tổ chức. Giúp con bạn tổ chức và duy trì vở ghi chép công việc phân công hàng ngày và đảm bảo trẻ có một nơi yên tĩnh để học tập. Sắp xếp các vật dụng trong phòng của trẻ và để chúng ở những nơi có ghi chú rõ ràng. Cố gắng giúp con bạn giữ môi trường xung quanh chúng có trật tự và gọn gàng.
- Sử dụng các từ ngữ đơn giản và minh họa khi đưa ra chỉ dẫn cho trẻ. Nói chậm, nhỏ nhẹ và thật rõ ràng, cụ thể. Chỉ đưa ra một chỉ dẫn tại một thời điểm. Nhìn thẳng vào mắt của trẻ trước và trong khi bạn đưa ra chỉ dẫn.
- Cố gắng duy trì một thời gian biểu đúng giờ giấc đối với các bữa ăn, thời gian ngủ trưa, và đi ngủ buổi tối. Sử dụng một cuốn lịch lớn để đánh dấu các hoạt động đặc biệt sẽ diễn ra sắp tới. Trẻ em mắc ADHD khó chấp nhận và khó thích nghi với sự thay đổi. Hãy tránh hoặc ít nhất là nói trước với trẻ về sự thay đổi đột ngột từ hoạt động này sang hoạt động khác.
- Hãy bảo đảm con bạn được nghỉ ngơi. Cố gắng giữ cho trẻ không bị quá mệt vì mệt mỏi thường làm cho các triệu chứng của ADHD xấu đi.
- Xác định những tình huống khó khăn. Cố gắng tránh những tình huống khó khăn cho trẻ, như ngồi trong các buổi thuyết trình kéo dài hoặc mua sắm ở những trung tâm thương mại và siêu thị nơi mà sự trưng bày hàng hóa tràn ngập khắp nơi.
- Sử dụng hình thức phạt “trải qua thời gian chờ” hoặc hình thức phạt phù hợp khác khi trẻ mắc lỗi. Thời gian chờ nên tương đối ngắn, nhưng phải đủ dài để con bạn có thể lấy lại được sự kiểm soát. Trẻ cũng có thể được mong đợi chấp nhận kết quả từ các lựa chọn của bản thân. Điều này nhằm gián đoạn và làm giảm những hành vi ngoài tầm kiểm soát của trẻ.
- Hãy kiên nhẫn. Cố gắng kiên nhẫn và bình tĩnh với con bạn, ngay cả khi trẻ đang ngoài tầm kiểm soát. Nếu bạn bình tĩnh, con bạn sẽ học theo kiểu cư xử đó và cũng sẽ trở nên bình tĩnh.
- Giữ quan điểm đúng đắn. Hãy thực tế khi trông đợi những sự cải thiện từ cả bản thân bạn và con bạn. Và phải luôn ghi nhớ giai đoạn phát triển của trẻ.
- Hãy nghỉ ngơi. Nếu bạn mệt mỏi và căng thẳng, bạn sẽ khó hoàn thành vai trò một người mẹ hoặc người bố tốt.
Khi trẻ ở trường
- Hỏi về chương trình học ở trường. Tận dụng lợi thế của bất kỳ chương trình học đặc biệt nào nếu có ở trường dành cho trẻ mắc ADHD. Tại Mỹ, luật pháp qui định các trường học phải có chương trình để đảm bảo cho những trẻ bị các khuyết tật ảnh hưởng đến việc học nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Tại Việt Nam, bạn nên tìm hiểu những trường học có chương trình hỗ trợ đặc biệt cho trẻ mắc ADHD hoặc những trường giáo dục đặc biệt dành cho trẻ mắc ADHD. Chương trình đặc biệt này có thể bao gồm sự đánh giá, điều chỉnh các môn học, thay đổi cách tổ chức trong lớp học cũng như phương pháp giảng dạy, hướng dẫn kỹ năng học tập, và tăng cường sự hợp tác giữa phụ huynh và giáo viên.
- Nói chuyện với giáo viên của con bạn. Giữ liên lạc chặt chẽ với giáo viên của con bạn, và tích cực hỗ trợ họ trong nỗ lực giúp con bạn ở lớp học. Hãy chắc chắn rằng giáo viên sẽ giám sát chặt chẽ việc học của trẻ, đưa ra những nhận xét hoặc lời khen tích cực. Giáo viên cũng cần linh hoạt và kiên nhẫn. Đề nghị giáo viên của trẻ phải thật rõ ràng khi đưa ra chỉ dẫn hoặc yêu cầu.
- Hỏi về khả năng cho phép con bạn sử dụng máy tính trong lớp học. Trẻ em bị ADHD có thể gặp khó khăn với viết chữ và đôi khi việc sử dụng máy tính có thể có lợi cho trẻ.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THAY THẾ
Có rất ít nghiên cứu cho thấy những phương pháp điều trị thay thế thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của ADHD. Trước khi xem xét bất kỳ sự can thiệp thay thế nào, cần thảo luận với bác sĩ của trẻ để xác định xem phương pháp đó có an toàn không. Một số phương pháp điều trị thay thế đã được thử nghiệm, nhưng chưa được chứng minh đầy đủ một cách khoa học, bao gồm:
- Yoga và thiền. Thói quen tập yoga hoặc thiền thường xuyên và sử dụng những kỹ thuật thư giãn có thể giúp trẻ em thư giãn và học được tính kỷ luật, từ đó có thể giúp ích cho trẻ trong kiểm soát các triệu chứng của ADHD.
- Chế độ ăn đặc biệt. Hầu hết các chế độ ăn dành cho trẻ mắc ADHD bao gồm việc loại bỏ hoặc giảm những thực phẩm được cho rằng có khả năng gây tăng động, như đường và các chất gây dị ứng phổ biến như lúa mì, sữa và trứng. Một số chế độ ăn được khuyến cáo nên loại bỏ các chất tạo màu thực phẩm nhân tạo và các chất phụ gia. Cho đến nay, các nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy mối liên quan chặt chẽ giữa chế độ ăn với sự cải thiện các triệu chứng của ADHD, mặc dù một số quan sát cho thấy việc thay đổi chế độ ăn dường như có tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, hạn chế đường dường như không có tác dụng. Cho trẻ mắc ADHD sử dụng cà phê như một chất kích thích có thể gây ra những tác dụng nguy hiểm, do đó cà phê không được khuyến cáo dùng cho trẻ mắc ADHD.
- Vitamin hoặc khoáng chất bổ sung. Mặc dù một số loại vitamin và khoáng chất mang tính thiết yếu cho sức khỏe, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy vitamin hoặc khoáng chất bổ sung có thể làm giảm triệu chứng của ADHD. Quá liều vitamin ngược lại còn có thể gây hại.
- Thảo dược bổ sung. Không có bằng chứng nào cho thấy điều trị bằng thảo dược có tác dụng đối với ADHD, và một số còn có thể có hại.
- Những công thức dược phẩm độc quyền. Đây là những sản phẩm được làm từ vitamin, vi chất dinh dưỡng và các thành phần khác, được bán như những chất bổ sung có khả năng điều trị trẻ mắc ADHD. Những sản phẩm này hầu như chưa được nghiên cứu và không nằm trong danh mục thuốc được giám sát bởi FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), do đó những thuốc này không được bảo đảm về tính hiệu quả, thậm chí còn có khả năng gây hại.
- Axit béo thiết yếu. Những axit béo, trong đó bao gồm các loại dầu omega-3, rất cần thiết cho não bộ duy trì hoạt động bình thường. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu liệu những axit béo này có thể cải thiện các triệu chứng của ADHD không.
- Huấn luyện phản hồi thần kinh . Còn được gọi là phản hồi sinh học điện não đồ (EEG), điều trị này bao gồm những buổi học định kỳ. Ở các buổi học này, trong lúc trẻ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, sóng điện não của trẻ sẽ được hiển thị qua máy đo điện não. Về mặt lý thuyết, trẻ có thể học cách để duy trì các sóng điện não hoạt động vùng trán, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng của ADHD. Mặc dù điều trị này có vẻ rất hứa hẹn, nhưng cần được nghiên cứu thêm.
- Các liệu pháp khác. Bao gồm liệu pháp tích hợp cảm giác và huấn luyện nhịp tương tác. Cho đến nay vẫn chưa có đủ các nghiên cứu khẳng định tính hiệu quả của những phương pháp này.

ĐỐI PHÓ VÀ HỖ TRỢ
Chăm sóc một trẻ mắc ADHD có thể là thách thức cho cả gia đình. Cha mẹ có thể bị tổn thương bởi chính hành vi của trẻ hay bởi cách mọi người đối xử với trẻ. Sang chấn tâm lý do đối phó với ADHD có thể dẫn đến những xung đột trong hôn nhân. Những vấn đề này có thể đi kèm với những gánh nặng tài chính mà ADHD đặt lên gia đình.
Anh chị em ruột của một trẻ bị ADHD cũng có thể có những khó khăn đặc biệt. Chúng có thể phải chịu đựng một người anh/chị/em quá khắt khe hoặc quá hung hăng (do mắc ADHD), và chúng cũng có thể nhận được ít sự quan tâm từ gia đình hơn vì cha mẹ phải dành nhiều thời gian để chăm sóc cho trẻ mắc ADHD.
Nguồn trợ giúp
Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ nhiều nguồn, như các dịch vụ xã hội hoặc các nhóm hỗ trợ. Nhóm hỗ trợ thường có thể cung cấp những thông tin hữu ích về việc đối phó với ADHD. Hãy hỏi bác sĩ của con bạn về những nhóm hỗ trợ có trong khu vực của bạn.
Cũng có những cuốn sách và hướng dẫn tuyệt vời dành cho cả cha mẹ và thầy cô giáo, và các trang web chỉ dành riêng cho ADHD. Nhưng hãy cẩn thận với các trang web hoặc các nguồn thông tin khác khi chúng đăng tải những trị liệu có tính nguy cơ cao, chưa được kiểm chứng hoặc mâu thuẫn với các khuyến nghị của nhóm chăm sóc sức khỏe cho con bạn.
Kỹ thuật để đương đầu
Nhiều bậc cha mẹ chú ý đến các kiểu hành vi của con mình cũng như cách trẻ phản ứng với những hành vi đó. Cả bạn và trẻ có thể cần phải thay đổi hành vi. Nhưng việc thay thế những thói quen cũ thường không dễ dàng và phải mất rất nhiều công sức. Điều quan trọng là phải có kỳ vọng thực tế. Hãy đặt những mục tiêu nhỏ cho cả bản thân bạn và trẻ và đừng cố gắng tạo ra quá nhiều thay đổi cùng một lúc.
Để giúp quản lý ADHD:
- Tổ chức sắp xếp cuộc sống cho trẻ. Điều này không có nghĩa là áp dụng kỷ luật cứng nhắc, hay kỷ luật thép. Thay vào đó, bạn cần sắp xếp mọi thứ để cuộc sống của một đứa trẻ càng như dự đoán, càng bình tĩnh và càng có tính tổ chức càng tốt. Trẻ em mắc ADHD không xử lý tốt những sự thay đổi, và việc có những thói quen có thể dự đoán sẽ làm cho trẻ cảm thấy an toàn, cũng như giúp trẻ cải thiện hành vi. Hãy cho con bạn sự cảnh báo trước vài phút, khi cần thiết phải thay đổi từ một hoạt động này sang hoạt động khác, hoặc từ địa điểm này sang địa điểm khác.
- Qui định kỷ luật tích cực. Những hình thức kỷ luật kiên quyết, thể hiện tình thương như khen thưởng đối với hành vi tốt và can ngăn những hành động phá hoại là khởi điểm tốt nhất. Hơn nữa, trẻ mắc ADHD cũng thường đáp ứng tốt với việc củng cố thói quen tốt, miễn là trẻ nhận được phần thưởng tương ứng. Khen thưởng hoặc củng cố, phát huy một hành vi mới và tốt mỗi khi nó xảy ra sẽ khuyến khích những thói quen mới.
- Bình tĩnh và đưa ra một ví dụ tốt. Hãy là một ví dụ tốt cho trẻ bằng cách chính bản thân bạn hành động theo cách mà bạn muốn trẻ làm. Cố gắng kiên nhẫn và kiềm chế, ngay cả khi con bạn ngoài tầm kiểm soát. Nếu bạn nói chuyện nhẹ nhàng và bình tĩnh, con bạn có khả năng cũng bình tĩnh theo. Học các phương pháp kiểm soát căng thẳng có thể giúp bạn đối phó với những thất vọng của bản thân.
- Cố gắng vì mối quan hệ gia đình tốt đẹp. Mối quan hệ giữa các thành viên gia đình đóng một vai trò lớn trong việc quản lý hoặc thay đổi hành vi của trẻ mắc ADHD. Những cặp vợ chồng có mối liên kết mạnh mẽ thường dễ đối mặt với những thách thức hơn những cặp có mối liên kết yếu. Đó là một lý do quan trọng để các cặp bạn đời nên dành thời gian để nuôi dưỡng mối quan hệ của mình.
- Hãy để bản thân được nghỉ ngơi. Dù cho con bạn mắc ADHD, thỉnh thoảng bạn hãy để bản thân được nghỉ ngơi. Đừng cảm thấy tội lỗi khi trải qua một vài giờ riêng tư cho bản thân. Bạn sẽ là một người cha người mẹ tốt hơn nếu bạn được nghỉ ngơi và thư giãn. Và đừng ngần ngại nhờ người thân và bạn bè giúp đỡ. Hãy đảm bảo rằng người giữ trẻ hoặc những người chăm sóc khác có kiến thức về ADHD và đủ trưởng thành để đảm nhận nhiệm vụ này.
PHÒNG NGỪA
Để giảm nguy cơ mắc ADHD của trẻ:
- Trong khi mang thai, tránh bất cứ điều gì có thể có hại đối với sự phát triển của thai nhi. Không uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng ma túy. Tránh tiếp xúc với chất độc môi trường, chẳng hạn như polychlorinated biphenyls (PCBs).
- Bảo vệ con bạn tránh tiếp xúc với chất gây ô nhiễm và các chất độc, kể cả khói thuốc lá, hóa chất nông nghiệp, công nghiệp, và sơn có chì (được tìm thấy trong một số tòa nhà cũ).
- Giới hạn thời gian tiếp xúc với màn ảnh . Mặc dù vẫn chưa được chứng minh, nhưng bạn nên thận trọng, không cho trẻ em xem tivi hoặc chơi trò chơi điện tử quá nhiều trong năm năm đầu tiên của cuộc đời.
Nếu con bạn mắc ADHD, để giúp giảm các vấn đề hoặc các biến chứng:
- Hãy kiên định, thiết lập các giới hạn và có hậu quả rõ ràng đối với các hành vi của con bạn.
- Kết hợp giữa các thói quen hàng ngày của con bạn với dự tính rõ ràng bao gồm những việc như thời gian đi ngủ, thời gian thức dậy buổi sáng, giờ ăn, những công việc vặt đơn giản và thời gian xem tivi.
- Tránh làm những việc khác trong khi đang trò chuyện với con bạn, nhìn thẳng vào mắt trẻ khi đưa ra chỉ dẫn, và dành một vài phút mỗi ngày để khen ngợi trẻ.
- Làm việc với các giáo viên và người chăm sóc của trẻ để xác định sớm những rắc rối ,nhằm làm giảm tác động của những vấn đề đó đối với cuộc sống của trẻ.
- theo yhoccongdong.com