Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
ĐỊNH NGHĨA
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng
Trẻ mắc ADHD có thể phải đối mặt với những khó khăn trong phát triển lòng tự trọng, thành tích học tập ở trường kém và gặp rắc rối trong các mối quan hệ. Đôi khi các triệu chứng sẽ giảm dần theo tuổi. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân các triệu chứng ADHD sẽ không bao giờ mất đi hoàn toàn. Dù vậy họ vẫn có thể học cách kiểm soát bệnh để thành công.
Mặc dù chưa có trị liệu đặc hiệu giúp chữa khỏi hẳn ADHD, việc điều trị triệu chứng vẫn có thể giúp cải thiện đáng kể rối loạn này. Điều trị thường bao gồm thuốc và những can thiệp về hành vi. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể tạo nên một sự khác biệt lớn trong kết quả điều trị bệnh.
TRIỆU CHỨNG
ADHD trước đây từng được gọi là rối loạn giảm tập trung, nhưng hiện nay thuật ngữ rối loạn rối loạn tăng động giảm chú ý được ưa dùng hơn vì nó mô tả đầy đủ các đặc điểm biểu hiện chính của bệnh này bao gồm: kém chú ý, tăng động và hành vi bốc đồng. Ở một số trẻ, những dấu hiệu của ADHD có thể được nhận biết từ rất sớm, khi trẻ chỉ mới 2 hoặc 3 tuổi.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ADHD bao gồm:
- Khó khăn trong tập trung chú ý
- Thường hay mơ màng
- Khó khăn trong việc tuân theo các chỉ dẫn và có vẻ như không chú ý lắng nghe
- Thường gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ hoặc hoạt động có tính tổ chức
- Thường xuyên quên và làm mất các dụng cụ cần thiết, như sách, bút chì hoặc đồ chơi
- Thường xuyên không hoàn thành bài tập, công việc được giao hoặc những nhiệm vụ khác
- Dễ dàng bị phân tâm
- Thường xuyên bồn chồn hoặc ngọ nguậy
- Ngồi không yên, thường xuyên cựa quậy tay chân
- Thường nói quá nhiều
- Thường cắt ngang hoặc xen vào cuộc nói chuyện hoặc trò chơi của người khác
- Thường gặp khó khăn trong việc chờ đến lượt mình
ADHD thường xảy ra phổ biến ở nam giới hơn ở nữ giới, và các biểu hiện hành vi cũng có thể khác nhau giữa nam và nữ. Ví dụ, các bé trai có thể có hiếu động quá mức trong khi các bé gái có thể có xu hướng kém chú ý một cách lặng lẽ.
Phân biệt những hành vi bình thường với ADHD
Hầu hết những trẻ bình thường đều có biểu hiện kém tập trung, tăng động hoặc bốc đồng tại một vài thời điểm. Và cũng thật bình thường đối với trẻ lứa tuổi mẫu giáo khi trẻ không thể kéo dài sự tập trung hoặc duy trì một hoạt động trong thời gian kéo dài. Thậm chí ngay cả trẻ lớn và thiếu niên, khả năng kéo dài sự tập trung thường phụ thuộc vào mức độ hứng thú.
Tăng động cũng vậy. Trẻ nhỏ hiển nhiên là tràn đầy năng lượng, trẻ thường kéo bố mẹ đi hết chỗ này đến chỗ khác rất lâu trước khi cảm thấy mệt. Ngoài ra, cũng thật tự nhiên khi một số trẻ hiếu động nhiều hơn so với những trẻ khác. Do đó đừng bao giờ chẩn đoán trẻ bị ADHD chỉ vì chúng khác so với bạn bè hoặc anh chị em ruột.
Trẻ em nếu có một số vấn đề ở trường nhưng lại hòa đồng tốt ở nhà hoặc với bạn bè thì có vẻ như trẻ đang phải đấu tranh với một vấn đề nào khác chứ không phải ADHD. Cũng tương tự đối với trẻ tăng động và kém chú ý khi ở nhà nhưng việc học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè lại không bị ảnh hưởng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Nếu bạn lo ngại rằng con bạn có những dấu hiệu của ADHD, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia, tuy nhiên việc quan trọng trước tiên là kiểm tra đánh giá sức khỏe ban đầu cho con bạn để tìm kiếm những nguyên nhân có thể gây nên những triệu chứng đó.
Nếu con của bạn đang được điều trị ADHD, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ thường xuyên cho đến khi các triệu chứng được cải thiện tốt hơn, và sau đó duy trì mỗi ba đến bốn tháng nếu các triệu chứng ổn định. Hãy gọi cho bác sĩ nếu trẻ có bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc, như chán ăn, khó ngủ, dễ kích thích hoặc cáu bẳn, hoặc nếu triệu chứng của con bạn không cải thiện với điều trị ban đầu.

NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân chính xác của rối loạn rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn chưa được biết rõ. Các nhà khoa học đang tiếp tục nỗ lực nghiên cứu.
Nhiều yếu tố có thể liên quan đến sự phát triển của ADHD. Bệnh xảy ra trong gia đình, và các nghiên cứu đã chỉ ra sự phát triển bệnh có thể liên quan đến gen. Một số yếu tố môi trường nhất định cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ADHD thông qua những tác động trên hệ thần kinh trung ương tại một số thời điểm then chốt trong quá trình phát triển của trẻ.
YẾU TỐ NGUY CƠ
Yếu tố nguy cơ của ADHD bao gồm:
- Có người thân mắc ADHD (như cha mẹ hoặc anh chị em ruột) hoặc mắc một rối loạn sức khỏe tâm thần khác
- Tiếp xúc với độc chất trong môi trường như chì, được tìm thấy chủ yếu trong sơn và ở các đường ống trong các tòa nhà cũ
- Mẹ sử dụng thuốc, uống rượu hoặc hút thuốc trong khi mang thai
- Mẹ tiếp xúc với các độc chất hiện diện trong môi trường chẳng hạn như polychlorinated biphenyls (PCBs) trong khi mang thai
- Sinh non
Mặc dù đường là chất bị nghi ngờ hàng đầu trong việc gây hiếu động thái quá, nhưng không có bằng chứng đáng tin cậy nào chứng minh điều này. Có nhiều thứ trong thời kỳ thơ ấu có thể dẫn đến việc trẻ gặp khó khăn trong duy trì sự tập trung chú ý, nhưng đối với ADHD thì không giống như vậy.
BIẾN CHỨNG
ADHD có thể làm cho cuộc sống của trẻ gặp khó khăn. Trẻ bị rối loạn rối loạn tăng động giảm chú ý:
- Thường gặp khó khăn trong lớp, có thể dẫn đến thành tích học tập kém và chịu sự chế giễu hay trách mắng từ bạn học và người lớn.
- Dễ bị tai nạn và thương tích nhiều hơn so với những trẻ khác không mắc rối loạn này.
- Có lòng tự trọng kém
- Có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, và khó được chấp nhận bởi các bạn đồng lứa và người lớn.
- Có nguy cơ cao trở nên lạm dụng rượu và ma túy cũng như các hành vi phạm pháp khác.
Những tình trạng khác có thể cùng tồn tại với ADHD
ADHD không gây ra những vấn đề về phát triển hoặc rối loạn tâm lý khác. Tuy nhiên so với những trẻ khác, trẻ bị ADHD có nhiều khả năng hơn mắc những tình trạng sau:
- Chứng rối loạn học tập, bao gồm những vấn đề về nhận thức và giao tiếp
- Rối loạn lo âu, có thể gây ra lo lắng quá mức, căng thẳng và làm nặng hơn các triệu chứng của ADHD, trừ khi rối loạn lo lắng này được điều trị và nằm trong tầm kiểm soát
- Trầm cảm, thường xuyên xảy ra ở trẻ em bị ADHD
- Rối loạn lưỡng cực gồm có trầm cảm và hành vi hưng phấn
- Rối loạn thách thức chống đối (ODD), thường được định nghĩa như là kiểu hành vi tiêu cực, thách thức và thù địch với người được ủy quyền.
- Rối loạn về tư cách đạo đức, rối loạn này nổi bật với các hành vi chống đối xã hội như trộm cắp, đánh nhau, phá hoại tài sản và gây hại cho người hoặc động vật.
- Hội chứng Tourette , đây là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi những tíc của cơ (máy giật cơ) hoặc tíc về âm thanh lặp đi lặp lại. Tíc là thuật ngữ chỉ những cử động không chủ ý lặp đi lặp lại nhiều lần.
- theo yhoccongdong.com