Nếu bạn là phụ huynh, là giáo viên, tình nguyện viên hay là bác sĩ ,có liên quan đến trẻ tự kỷ. Ắt hẳn đã không dưới một lần bạn đã từng nghe qua khái niệm về độ “tuổi vàng” trong can thiệp. Và cũng không khó khăn lắm để ta có thể tìm hiểu về khái niệm này. Chỉ với một thao tác search Google đơn giản, ta có ngay hơn 8.000 kết quả chỉ trong chưa tới 1 giây.
Tóm tắt về khái niệm “tuổi vàng”, đây là một lý thuyết cho rằng, trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp trong độ tuổi từ 2- 5 tuổi thì sẽ có khả năng rất cao hồi phục và phát triển như một trẻ bình thường. Rất nhiều những dẫn chứng dạng này trên các mạng chia sẻ, sẽ đưa ra 2 ví dụ so sánh về 2 trường hợp được/và không được can thiệp trong độ tuổi vàng để nhằm nêu lên tính QUAN TRỌNG và ĐÚNG ĐẮN của lý thuyết này trong vấn đề can thiệp cho trẻ tự kỷ.
Không có nhiều bằng chứng khoa học mà mình tìm được để chứng minh cho điều này, và một số ít dẫn chứng mình tìm được, nói về khái niệm “tuổi vàng” cũng đã lỗi thời, xưa cũ. Tuy nhiên, chưa cần bàn đến điều đó, bản thân chính quan niệm về “tuổi vàng” đã dẫn đến nhiều nghịch lý, bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình can thiệp và hiệu quả can thiệp cho trẻ tự kỷ.
Thứ nhất, “tuổi vàng” vô hình chung đặt ra cho các bậc phụ huynh một cái deadline ảo tưởng, luôn lơ lửng ám ảnh họ. Cách người ta định nghĩa về khái niệm này (can thiệp từ 2-5 tuổi mới hiệu quả nhất) gián tiếp nói với phụ huynh rằng: “Mày chỉ có 3 năm để can thiệp, quá số đó là bó tay!”. Và khi đã được đặt ra một cái hạn mức trong đầu, không ít các bậc phụ huynh ra sức nhồi nhét, thúc ép quá trình can thiệp cho các con, gây áp lực lên giáo viên và nhà trường…Có những lúc, họ quên đi rằng, chính con họ mới là những người đang gặp khó khăn, đang cần được hiểu và thông cảm nhiều hơn.
Thứ hai, trong tuổi vàng thì là vậy, còn nếu nhỡ con bước qua tuổi vàng mà vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ như mong muốn (số này chiếm tỷ lệ rất rất đông, nếu các con “thực sự” là tự kỷ) các ông bố, bà mẹ dường như lại chuyển sang trạng thái hụt hẫng, tuyệt vọng hoàn toàn. Bao nhiêu miệng lưỡi thiên hạ, kể cả từ ngoài đường phố đến các nhà chuyên môn, lại có dịp chuyển sang dự liệu và tiên đoán; có dịp vẽ ra một tương lai mịt mù để áp đảo tinh thần của cha mẹ. Càng thương con bao nhiêu, cha mẹ càng đau lòng bấy nhiêu.
Thứ ba, TUỔI VÀNG KHÔNG HỀ QUAN TRỌNG!
Thật kỳ lạ, khi đa số các trường hợp gia đình tìm đến mình, đều là những gia đình có con đã qua tuổi vàng, thậm chí là qua xa lơ xa lắc nữa. “Con chị 10 tuổi, nói vậy em cũng hiểu là chị đã thử đủ mọi cách trên đời rồi đúng không?!”, mình vẫn còn nhớ như in câu nói đó của một bà mẹ, khi chị tâm sự với mình trong lần gặp mặt đầu tiên. Và cũng chính chị sau khi thấy mình tiếp cận với bé, đã nói rằng chị lần đầu tiên nhìn thấy được hi vọng, sau nhiều năm dài tuyệt vọng.
Và cũng mới cách đây 2 ngày thôi, chính một phụ huynh có con tự kỷ và chậm phát triển, đã thốt lên rằng chưa bao giờ chị thấy con vui và hạnh phúc như vậy trong suốt nhiều năm dài. “Những phó khoa, trưởng khoa ngày ấy, những người nói rằng: Bước đi là một điều xa xỉ với con chị” chắc sẽ phải há hốc mồm khi nhìn thấy con chị cùng em chơi đá bóng.” chị hả hê. Và đương nhiên, những thành tựu ấy, con đều đạt được, khi đã ngoài xa tuổi vàng.
Bạn thấy đấy, KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN ĐỂ CAN THIỆP CHO TRẺ TỰ KỶ!
Không một lời người nào trên thế giới này là giá trị với con bạn. Chỉ có niềm tin và sự cố gắng của bạn mới làm nên cho con điều kỳ diệu!
Theo daycontuky