Thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa khiến bé dễ mắc các bệnh về hô hấp, trong đó có viêm phổi.
Nguyên nhân
Viêm phổi ở bé có thể do các vi khuẩn như liên cầu khuẩn hoặc virus cúm. Viêm phổi thường xảy ra khi gặp các điều kiện thuận lợi như: Cơ thể bé bị nhiễm lạnh đột ngột do thời tiết; bé dùng đồ ăn, đồ uống lạnh; bé ở trong phòng máy lạnh lâu; bé ra nhiều mồ hôi mà không được lau khô khiến mồ hôi thấm ngược vào cơ thể, gây nhiễm lạnh; hoặc mẹ tắm cho bé ngay khi bé vừa nô đùa, nhiều mồ hôi; tắm cho bé quá lâu…
Những bé lười ăn, thiếu dinh dưỡng, miễn dịch kém, đang mắc bệnh nào đó càng dễ bị viêm phổi.
Dấu hiệu
Bé khó thở do thiếu oxy. Vì thế, bé phải thở nhanh. Thở nhanh có thể được coi là triệu chứng sớm nhất của viêm phổi. Phụ huynh có thể kiểm tra xem bé có thở nhanh hay không bằng cách đếm nhịp thở của bé.
Bé thở nhanh là khi:
– Nhịp thở là 60 lần/phút trở lên ở bé dưới 2 tháng tuổi.
– Từ 50 lần/phút trở lên ở bé 2-11 tháng.
– Từ 40 lần/phút trở lên ở bé 1-5 tuổi.
Lưu ý: Vì nhịp thở của bé có thể tăng lên khi bé quấy khóc, bú… nên cha mẹ chỉ có thể đếm nhịp thở của bé khi bé đang nằm im, tốt nhất là đang ngủ.
Lưu ý rằng, cách đếm nhịp thở này không phải lúc nào cũng chính xác và cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất giúp xác định bé có bị viêm phổi hay không. Do đó, nếu nghi ngờ bé bị viêm phổi, cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện khám ngay lập tức.
Dấu hiệu viêm phổi nặng là bé thở gây lõm lồng ngực.
Các dấu hiệu cảnh báo viêm phổi khác ở bé mà mẹ cần lưu ý:
– Bé sốt cao đột ngột (39-40°C). Bú kém hoặc bỏ bú, co giật hay ngủ li bì.
– Bé thở khò khè.
– Hoặc bé sốt ngày một tăng, kèm ho khan.
– Bé ho khạc ra nhiều đờm; bé có biểu hiện đau tức ngực.
Điều trị
– Điều trị triệu chứng: Bác sĩ kê thuốc giảm đau, hạ sốt, long đờm cho bé.
– Điều trị nguyên nhân: Nếu viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ sẽ cho bé dùng kháng sinh; nếu viêm phổi do virus, bác sĩ cho bé dùng thuốc kháng virus.
– Các biện pháp điều trị hỗ trợ: Cho bé ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi; tránh gió lùa, lau người hạ sốt bằng nước ấm cho bé..
Tuyệt đối không kiêng ăn cho bé. Cần cho bé uống nhiều nước hoặc tăng cường cho bé bú. Đây là cách quan trọng giúp bé làm loãng đờm, dịu cơn ho.
Phòng viêm phổi cho bé
– Cần giữ ấm cho bé, nhất là trong thời điểm chuyển mùa.
– Không cho bé ở phòng điều hòa khi trời mát. Theo các nghiên cứu khoa học, bé nằm điều hòa liên tục 4 tiếng trở lên dễ bị các bệnh về hô hấp, trong đó có viêm phổi.
– Không tắm lâu cho bé. Không cho bé ăn, uống đồ lạnh.
– Mẹ cần chú ý thay quần áo khi bé đổ mồ hôi nhiều. Cha mẹ không thay quần áo hay lau mồ hôi cho bé sẽ làm bé bị nhiễm lạnh do thấm mồ hôi ngược, gây viêm hô hấp, viêm phổi.
– Bổ sung dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
Phòng viêm phổi sớm cho bé sơ sinh
Để phòng viêm phổi sớm ở bé sơ sinh, ngay trong quá trình mang thai, các mẹ phải đi kiểm tra thai định kỳ (nhất là giai đoạn cuối) nhằm sớm phát hiện những bất thường cho thai nhi để có biện pháp can thiệp kịp thời.
– Khi bé chào đời, quan trọng nhất là bảo đảm giữ ấm cho bé.
– Cho bé bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để tăng sức đề kháng và khi cho bú cần thận trọng tránh không để bé bị sặc sữa.
– Giữ vệ sinh cho bé, người chăm sóc phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé để bé không bị lây nhiễm vi khuẩn; Dụng cụ để chăm sóc bé như cốc, thìa, chăn, áo, tã… phải sạch, khô, vô trùng, tránh không cho tiếp xúc với các nguồn lây bệnh…
Nguyên nhân gây viêm phổi sơ sinh
– Do vi khuẩn: Viêm phổi ở bé sơ sinh thường do các loại vi khuẩn như Listeria (Coli, các vi khuẩn Gram âm).
Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước (trong hoặc sau) khi đẻ (bé có thể bị bệnh ngay trong khi đẻ do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ).
– Do môi trường: Trong khi đỡ đẻ, hồi sức sau đẻ và chăm sóc bé mới sinh nếu không thực hiện vô trùng thì bé rất dễ bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ và môi trường, người chăm sóc.
– Do trào ngược: Ở những bé đẻ non, bé thiếu cân do các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn nên thường xuyên bị trào ngược thực quản dạ dày. Khi bé bú mẹ thường hay bị nôn trớ. Nếu sữa bị hít nhầm vào phổi, sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp (hụt hơi, tím tái mặt), lượng sữa hít vào càng nhiều càng có khả năng gây viêm phổi.
Vì vậy khi cho bé bú, mẹ cần hết sức thận trọng. Không nên ép bé bú nhiều, bú nhanh…
– Do bệnh: Một số bệnh như viêm khoang miệng, viêm da, viêm dây rốn… đều có thể dẫn tới viêm phổi ở bé sơ sinh.
Cần phát hiện sớm
Viêm phổi ở bé sơ sinh, triệu chứng của bệnh ban đầu thường không rõ ràng như: Bú kém hoặc bỏ bú; Sốt trên 37,5ºC hoặc hạ thân nhiệt; Thở nhanh trên 60 lần trong một phút hoặc khó thở.
Dấu hiệu bệnh đã nặng: bé sốt hoặc hạ thân nhiệt; li bì, đáp ứng kém với kích thích; bú kém hoặc bỏ bú; nôn nhiều, chướng bụng; khó thở, rút lõm lồng ngừng, tím tái…
Do đó, cha mẹ cần lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu khi bé có biểu hiện sốt, bỏ bú, thở nhanh… phải đưa ngay bé đi khám ngay.
Ngọc Huê (tổng hợp)