Mùa nắng đã đến, nhiệt độ ngoài trời có khi lên cao 35 ºC đến 36ºC. Khí hậu nóng, môi trường có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi rút và vi khuẩn. Với thời tiết này người lớn và nhất là trẻ em thích đi bơi ở các hồ tắm công cộng, sự thay đổi nhiệt độ khi đi ra đi vào phòng có máy lạnh, để nhiệt độ trong phòng ngủ quá thấp, thói quen uống nước quá lạnh đã góp phần cho một số bệnh tai, mũi, họng phát sinh.

CÁC BỆNH LÝ CỦA TAI
Những bệnh ở tai hay gặp vào mùa này là: viêm, nhọt ống tai ngoài. Biểu hiện của bệnh là đau tai nhiều, ù tai và có thể giảm thính lực. Đau do viêm tấy hoặc nhọt ống tai ngoài thường rất nhiều làm bệnh nhân mất ngủ do cấu tạo da ống tai vành tai sát liền với màng sụn. Chỉ cần đụng nhẹ hoặc kéo vành tai là bệnh nhân đau chói, nguyên nhân do bị nước bẩn vào tai, hoặc khi đi bơi nước vào làm độ pH và lớp bảo vệ da ống tai bị mất, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm. Cũng hay gặp nấm ống tai. Biểu hiện bằng ngứa tai nhiều, chảy dịch màu trắng đục hoặc nâu đen. Khi khối nấm mọc nhiều lấp đầy ống tai, bệnh nhân bị ù tai rất khó chịu. Trường hợp có nút biểu bì (ráy tai đọng lại thành khối) khi đi bơi nước vào làm khối này trương to lấp kín hết ống tai gây ù tai giảm thính lực có khi nặng gây viêm đau nhức tai nhiều.
Để xử trí những tình huống như trên, trong tủ thuốc gia đình của bạn cần trang bị dung dịch sát khuẩn betadin 10%, nhỏ tai ngày 2 lần, lần 3 giọt. Nếu các triệu chứng của bệnh không giảm nên đến bác sĩ tai mũi họng để điều trị kịp thời.

CÁC BỆNH MŨI XOANG
Mùa nắng nóng, giải pháp được nhiều người chọn là dùng máy điều hòa. Không khí trong phòng có điều hòa rất khô và không được đối lưu tự nhiên gây kích ứng niêm mạc hô hấp mà mũi là ngõ vào của hệ hô hấp như là người lính tuyến đầu bảo vệ đường thở. Nếu tình trạng kích ứng này kéo dài thường xuyên sẽ đưa đến viêm mũi và nếu không điều trị kịp thời viêm nhiễm từ mũi sẽ lan vào trong xoang gây viêm các xoang cạnh mũi (xoang hàm, xoang sàng hay bị viêm nhất). Bệnh biểu hiện với các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, nhức đầu và có thể có sốt nhẹ. Nước mũi lúc đầu trắng loãng, những ngày sau nếu có vi khuẩn bội nhiễm dịch mũi có mủ màu vàng, màu xanh. Cũng cần lưu ý vào mùa hè các loại phấn hoa, khói bụi phát tán nhiều trong không khí nên những ai có bệnh viêm mũi dị ứng với các tác nhân nầy dễ bị bộc phát bệnh với 3 triệu chứng chính là ngứa mũi, hắt hơi thành tràng dài và chảy mũi trong. Lúc mới có các biểu hiện đầu tiên ở mũi, bạn có thể dùng các dung dịch vệ sinh mũi hằng ngày như nước muối đẳng trương, nước biển sâu phun sương để rửa sạch các tác nhân gây bệnh. Uống thêm nhiều nước và có thể dùng vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nếu có nhức đầu, sốt, bạn có thể dùng paracetamol theo liều lượng như sau: Người lớn, mỗi lần uống 1 viên paracetamol 500mg cách 4 giờ, có thể dùng lại 1 liều nếu vẫn còn khó chịu, chú ý không quá 6 viên trong 1 ngày. Trẻ em cứ 10mg paracetamol trên 1 kg cân nặng. Ví dụ trẻ 25kg dùng viên hoặc gói paracetamol hàm lượng 250mg. Nếu các triệu chứng nặng hơn và kéo dài trên 10 ngày nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Để phòng bệnh viêm mũi xoang mùa hè, không nên để nhiệt độ phòng quá lạnh, không được để chênh lệch với nhiệt độ môi trường ngoài quá 8°C, tốt nhất nên để ở 26ºC.
Vệ sinh máy lạnh theo định kỳ. Có thể dùng máy tạo độ ẩm dạng phun hơi nước hay đơn giản để 1 chậu nước có bề mặt rộng trong phòng.
Vệ sinh mũi hằng ngày bằng các dung dịch xịt mũi và nên tự bảo vệ bằng cách đeo khẩu trang đúng chuẩn khi ra đường.
CÁC BỆNH Ở HỌNG
Mùa nắng nóng nực, khát nước nhiều, mọi người nhất là các em nhỏ thích uống nước thật lạnh và điều này rất dễ dẫn đến viêm họng, viêm Amidan. Ở thời điểm này, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân bị viêm họng, sốt cao, đau họng nhiều, ho đàm vàng đặc, họng sung huyết đỏ rực có khi Amidan sưng tấy nhiều mủ. Các trường hợp này bệnh nhân rất mệt mỏi, khó chịu ăn uống kém phải nghỉ học, nghỉ làm. Khi có các biểu hiện trên có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như đã nói trên (paracetamol), dùng thêm vitamin C, ăn nhiều rau trái cây. Súc họng bằng dung dịch muối đẳng trương 2 đến 3 lần 1 ngày.

Không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đa số các trường hợp viêm họng là do vi rút nên kháng sinh không có tác dụng điều trị. Chỉ dùng kháng sinh khi viêm họng do vi khuẩn, amidan nhiều mủ. Sự chọn lựa và liều lượng kháng sinh phải do bác sĩ kê toa. Để đề phòng nên súc họng mỗi ngày 2 lần sáng chiều. Bạn dùng nước muối ấm theo tỉ lệ 9g muối trong 1 lít nước. Có thể cân 100g muối tốt nhất là muối biển dạng hột to chia làm 10 phần, lấy 1 phần nấu trong 1 lít nước, bỏ các cặn lắng để vào chai dùng dần. Súc họng đúng cách là như sau: ngậm 1 ngụm nước muối, ngửa đầu ra sau vừa phải, phát âm chữ “ gơ gơ gơ “ liên tục trong 5 đến 10 giây rồi nhổ ra và lập lại 3 đến 5 lần như vậy. Thực hiện đúng cách nước muối mới vào được trong khoang họng sát trùng được các cấu trúc trong họng như Amidan, thành sau họng.
Chúc các bạn sức khỏe tốt, phòng tránh được các bệnh tai, mũi, họng và tận hưởng được mùa hè vui tươi nhé!
Theo benhvien115.com.vn