Việc đi ngược lại chu trình sinh nở tự nhiên sẽ khiến trẻ sinh mổ bị thiệt thòi do hệ vi sinh đường ruột phát triển chậm hơn, gây ra những vấn đề khó khăn cho hệ tiêu hóa của trẻ. Để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ, việc đầu tiên bạn cần là quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ hệ tiêu hóa non nớt của bé.
Trong những năm gần đây, xu hướng sinh mổ tăng nhanh trong cộng đồng các bà mẹ hiện đại. Có thể thấy, việc sinh mổ giúp đảm bảo an toàn cho mẹ và bé trong những trường hợp cần thiết như: ngôi thai bất thường, nhau tiền đạo,… Bên cạnh đó cũng có các bà mẹ lựa chọn sinh mổ để tránh trải qua những cơn đau chuyển dạ.
Khi lựa chọn phương pháp sinh mổ hoặc tình trạng bệnh lý của mẹ buộc phải sinh mổ các bà mẹ cần phải chuẩn bị kĩ càng hơn trong việc chăm sóc để bảo vệ hệ tiêu hóa non nớt của trẻ khi sinh, vì trẻ sẽ có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa cao hơn nhiều so với mức 50-55% ở trẻ sinh thường.

Theo ESPGHAN, một tổ chức Nhi khoa của Châu Âu chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng đường tiêu hóa cho biết: việc sinh mổ khiến trẻ mất đi cơ hội tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi từ cơ thể mẹ, gây kéo dài thời gian hình thành các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, khiến hệ tiêu hóa của trẻ sinh mổ mất đến 6 tháng để hoàn thiện thay vì 10 ngày như trẻ sinh thường. Điều này dẫn đến hệ quả là trẻ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ như: nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, đau quặn bụng,… nếu không được quan tâm về mặt dinh dưỡng dành riêng cho hệ tiêu hóa nhạy cảm.
Do đó, để bảo vệ hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sinh mổ, bạn cần lưu ý những điều sau:
Hỏi ý kiến bác sĩ
Khi sinh mổ, một số trường hợp phải sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh để tránh nhiễm trùng vết mổ. Vì những chất này có thể tiết qua đường sữa mẹ, do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, mẹ cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ bú để tránh gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Giữ vệ sinh cho bé
Vì hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ sinh mổ rất non nớt nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc, cho trẻ bú và sau khi thay tã vệ sinh cho trẻ, đặc biệt các bà mẹ cần phải vệ sinh sạch đầu núm vú trước khi cho trẻ bú mẹ Các dụng cụ dùng cho trẻ như: thìa, cốc, bình sữa,… phải được nấu sôi trong nước sạch 10 phút để tiệt trùng. Ngoài ra, trẻ cần được tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày.
Cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt
3 ngày sau khi sinh, mức độ vi khuẩn đường ruột của trẻ sẽ phát triển cao, trong đó có nhiều vi khuẩn gây hại. Trong khi đó, sữa mẹ chứa các lợi khuẩn như Bifidus, B. lactis aerogenes, B. acidofilus và các loại men beta lactoza,… rất tốt cho sự phát triển của các vi khuẩn đường ruột có lợi và ức chế Ecoli, một loại vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm trùng sơ sinh chiếm tỉ lệ khá cao khoảng 80% các trường hợp. Vì thế, mẹ cần cho trẻ bú càng sớm càng tốt để hỗ trợ cho hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ.

Chuẩn bị sữa công thức hỗ trợ hệ tiêu hóa nhạy cảm
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng trên thế giới, ngay cả trẻ sinh thường cũng sẽ có 50-55% nguy cơ gặp phải các triệu chứng tiêu hóa như nôn trớ, đầy hơi, chướng bụng và tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở trẻ sinh mổ do đặc thù hệ tiêu hóa của bé nhạy cảm hơn. Do đó, trong trường hợp mẹ không thể cho trẻ bú ngay hoặc không đủ sữa, mẹ nên chọn sản phẩm sữa công thức uy tín giúp hỗ trợ hệ miễn dịch cho bé, tăng cường các vi khuẩn có lợi đường ruột, từ đó bảo vệ được hệ tiêu hóa của trẻ ngay trong giai đoạn đầu đời.
Lựa chọn tốt nhất cho bé chính là các loại sữa công thức được đặc chế tương tự sữa mẹ, chứa thành phần lactose thấp, đạm thủy phân một phần và không có sucrose, giúp trẻ dễ tiêu hóa và hấp thu. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu hàm lượng DHA, ARA theo đúng khuyến cáo của FAO, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ bé phát triển trí não toàn diện.
Theo Eva & Khám phá