Nguyên nhân nào khiến trẻ bị mộng du và phải làm gì khi trẻ bị mộng du?
Khi chúng ta ngủ, bộ não trải qua 5 chu kỳ, mỗi một chu kỳ kéo dài 90-100 phút. Mộng du thường xuất hiện trong lúc ngủ say ở chu kỳ 3 và 4. Trong 2 chu kỳ này, rất khó để đánh thức một người đang ngủ dậy, và khi thức dậy, họ sẽ cảm thấy chao đảo và mất phương hướng trong vài phút.
Đối với trẻ con, các em thường bị mộng du sau khi ngủ 1-2 giờ và thường đi lại lung tung từ vài giây đến 30 phút. Tình trạng mộng du thường xuất hiện nhiều ở trẻ em hơn là ở người lớn, hầu hết đều mất dần sau khi đến tuổi thiếu niên. Hơn nữa tình trạng này lại di truyền nên nếu bố mẹ bị mộng du thì có thể con cái cũng bị.

Một số yếu tố gây ra chứng mộng du ở trẻ:
– Thiếu ngủ hay mệt mỏi
– Thói quen ngủ không đều đặn
– Bị đau ốm hay sốt
– Uống thuốc
– Stress (mộng du hiếm khi xảy ra do các vấn đề về cảm xúc hay tinh thần)
Các biểu hiện thường thấy khi trẻ bị mộng du:
– Nói trong khi ngủ
– Khó thức dậy
– Mê mụ
– Lóng ngóng, vụng về
– Không trả lời khi được hỏi
– Ngồi trên giường và liên tục thực hiện các động tác lặp đi lặp lại, chẳng hạn dụi mắt hay cào cấu quần áo
– Mở mắt nhưng không nhìn thấy những thứ các em vẫn nhìn thấy khi thức và thường nghĩ rằng mình đang ở trong một căn phòng khác hoặc một nơi khác hoặc cả hai

Một số biểu hiện khác:
– Ngắt quãng hơi thở trong khi đang ngủ
– Tè dầm
– Hoảng sợ
Mộng du có nguy hiểm không?
Bản thân mộng du không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó lại gây ra nguy hiểm khi trẻ bị mộng du không tỉnh táo và không nhận biết được điều mình đang làm, chẳng hạn như đang đi xuống cầu thang hay mở cửa sổ. Mộng du cũng không phải là dấu hiệu cho thấy trẻ bị vấn đề gì về cảm xúc hay tâm lý, nó cũng không gây ra tổn hại về tâm lý. Khi thức dậy, trẻ sẽ không nhớ là mình bị mộng du.
Phải làm gì khi trẻ bị mộng du?
– Cố gắng không đánh thức trẻ bị mộng du vì điều này có thể làm trẻ hoảng sợ. Thay vào đó, nhẹ nhàng dẫn trẻ về lại giường.
– Khóa các cửa sổ và cửa chính lại, không phải chỉ trong phòng trẻ mà còn trong toàn bộ ngôi nhà, đề phòng trường hợp trẻ quyết định đi thơ thẩn khi đang ngủ. Chìa khóa nhà và cả chìa khóa xe nên cất xa tầm với của trẻ.
– Để trẻ không té ngã, không nên cho trẻ nằm giường tầng.
– Tránh đặt những vật nhọn hoặc dễ vỡ xung quanh giường trẻ. Để những vật nguy hiểm xa tầm với của trẻ.
– Tránh đặt chướng ngại vật quanh phòng trẻ và trong nhà để trẻ khỏi vấp ngã.
– Đặt rào chắn trên đầu và chân cầu thang.

Giúp trẻ tránh bị mộng du bằng cách nào?
– Giúp trẻ thư giãn trước khi ngủ bằng cách nghe nhạc nhẹ.
– Dạy trẻ đi ngủ đều đặn, cả ngủ trưa lẫn ngủ tối, giờ đi ngủ cũng như giờ thức giấc.
– Dọn dẹp sẵn giường ngủ trước khi đi ngủ, điều này giúp trẻ ngủ nhiều hơn.
– Buổi tối không nên cho trẻ uống nhiều nước và nhớ nhắc trẻ đi vệ sinh trước khi đi ngủ.
– Buổi tối không cho trẻ ăn hay uống các đồ ăn có caffeine.
– Giữ cho phòng ngủ của trẻ yên tĩnh, ấm áp (hoặc mát mẻ).