Bằng cách làm các động tác sinh động, bạn có thể khiến cho việc giao tiếp vui vẻ hơn và hứng thú hơn cho bé. Kỹ thuật Minh họa bằng cử chỉ điệu bộ có thể tăng sự tương tác của bé với bạn và tăng sự hào hứng của bé trong hoạt động. Ngoài ra, kỹ thuật này giúp cho bạn chú trọng vào những giao tiếp không bằng lời, ví dụ như điệu bộ, nét mặt và giọng nói. Đây là các yếu tố tinh tế và do đó trẻ tự kỷ thường dễ bỏ qua. Minh họa bằng cử chỉ điệu bộ bao gồm một số phương diện:
1. Hãy tỏ ra phấn khích về hoạt động
Không phải tất cả các hoạt động bé lựa chọn đều gây hứng thú cho bạn. Điều này đặc biệt đúng khi các hoạt động này có tính lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, khi bạn làm như thể là bạn rất phấn khích thì bé sẽ hứng thú hơn khi chia sẻ hoạt động này với bạn. Điều này giúp gia tăng sự tương tác xã hội của bé. Bạn có thể cho bé thấy những cách làm mới hoặc khiến cho hoạt động trở nên rất vui nhộn. Điều này sẽ động viên bé tham gia những cách chơi mới.

2. Điệu bộ quá mức
Hãy làm các điệu bộ quá mức khi bạn nói, để khiến cho ý nghĩa lời nói của bạn rõ ràng hơn. Ví dụ, nếu bạn nói “cái ô tô ở đằng kia kìa” bạn hãy chỉ tay rõ ràng và hăng hái. Bằng việc làm điệu bộ quá mức, bạn có thể khiến cho cách thể hiện của mình bớt tinh tế và dễ hiểu hơn cho bé.
3. Hãy thể hiện nét mặt quá mức
Hãy thể hiện nét mặt quá mức bình thường mà bạn vẫn dùng trong hội thoại. Nếu bạn vui vẻ, hãy cười thật to và rõ ràng hơn, hoặc vỗ tay khi cười để thể hiện rằng bạn đang rất vui vẻ. Nếu bạn mệt mỏi, chán nản hay ngạc nhiên, bạn cũng thể hiện tất cả các nét mặt và chuyển động cơ thể thường đi cùng với những cảm xúc đó. Việc thể hiện nét mặt quá mức sẽ đem lại cho trẻ những thông tin bổ sung khiến cho trẻ hiểu được điều bạn đang thể hiện rõ ràng hơn. Những sự thể hiện nét mặt như vậy còn khiến cho hoạt động thú vị hơn. Làm như vậy có thể khiến cho bé thích giao tiếp, đồng thời cũng dạy bé ý nghĩa của các động tác hay nét mặt thể hiện đó.

4. Giọng điệu thể hiện quá mức
Giọng điệu là tốc độ, giọng, âm lượng của lời nói. Trẻ tự kỷ thường có khó khăn trong việc sử dụng và hiểu những thay đổi trong giọng điệu. Khi bạn thể hiện giọng điệu quá mức, những thay đổi trong giọng nói của bạn sẽ giúp trẻ lưu ý thấy. Ví dụ, bạn có thể thay đổi âm lượng bằng cách thì thầm sẽ khiến bé chú ý đến những lời bạn đang nói.
5. Sử dụng các cách nói khiến trẻ chú ý
Thu hút sự chú ý của bé bằng cách nói theo cách như kiểu “Ui – ôi”, “Ồ, không”, “Oái” hoặc xuýt xoa. Những cách nói này sẽ chỉ cho bé thấy bạn có điều gì đó muốn chia sẻ. Các từ này có thể khiến bé chú ý đến nét mặt của bạn, khuyến khích giao tiếp mắt.

6. Chờ đợi và dự đoán
Hãy chờ đợi đồng thời nhìn bé một cách mong đợi và làm cử chỉ điệu bộ quá mức. Áp dụng chiến lược này trong các hoạt động hàng ngày như chơi cù, chơi ú òa, chơi đuổi bắt v.v. Làm như vậy sẽ khuyến khích bé giao tiếp và tiếp tục trò chơi. Ví dụ, khi chơi cù, bạn có thể giơ các ngón tay lên và nói “Nào, bây giờ mẹ sẽ bắt được con” và đợi bé giao tiếp trước khi bạn cù bé.
7. Thay đổi cử chỉ điệu bộ minh họa để tiếp tục cuốn hút bé
Nếu bé tỏ ra mệt hay chán, bạn có thể tăng sự cuốn hút với bé bằng cách tăng thêm cử chỉ điệu bộ minh họa. Mặt khác, nếu bé bắt đầu căng thẳng, bạn có thể làm dịu bé bằng giọng nói nhẹ nhàng và giảm bớt cử chỉ điệu bộ minh họa.
Theo benhsuynhuocthankinh.vn