Cởi bớt quần áo, cho uống nhiều nước, lau mát bằng cách dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, đặt hai bên nách và hai bên bẹn, khăn còn lại lau khắp người.
Với trẻ em, sốt là một trong những dấu hiệu lâm sàng rất thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau trong suốt thời kỳ thơ ấu. Đôi khi sốt cũng xuất hiện do sự tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài như thời tiết quá nóng nực, oi bức, phụ huynh ủ ấm bé quá kỹ, trẻ sốt sau tiêm chủng văcxin… Xác định rõ căn nguyên sẽ giúp phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách và hiệu quả hơn.
Cách xác định trẻ bị sốt
Bình thường nhiệt độ của cơ thể từ 36,5 – 37,5 độ C. Trẻ em cũng có nhiệt độ tương đương người lớn nhưng do trung tâm điều hòa chưa hoàn chỉnh nên dễ bị sốt và sốt cao.
– Có thể nhận ra trẻ đang bị sốt bằng cách sờ ở bụng hoặc nách của trẻ thấy nóng.
– Nhìn thấy môi và má trẻ đỏ hơn bình thường. Mắt trẻ không còn linh hoạt, cử chỉ lừ đừ, bé có thể bị lạnh run, tăng tiết mồ hôi.
– Nên đo thân nhiệt của trẻ để xác định được tình trạng sốt hiện tại (sốt nhẹ hoặc sốt cao):
+ Nhiệt độ 37,5-38,50C là sốt nhẹ.
+ Nhiệt độ 38,5-390C là sốt vừa.
+ Khi nhiệt độ 39-400C là sốt cao.
+ Nhiệt độ bé từ 400C trở lên là sốt rất cao.
Sốt thường là dấu hiệu ban đầu báo hiệu trẻ đang bị bệnh hoặc gặp vấn đề nào đó về sức khỏe. Về mặt y học, sốt cũng giúp cơ thể trẻ chống chọi với bệnh tật vì đó là một hiện tượng có lợi. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, sức đề kháng của cơ thể cũng nâng cao giúp tiêu diệt bớt các tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân làm trẻ bị sốt
1. Nguyên nhân do nhiễm trùng rất thường gặp trong những tình huống sau:
– Nhiễm siêu vi: Là nguyên nhân hàng đầu gây ra sốt ở trẻ em. Bệnh thường khỏi sau 7 ngày. Có rất nhiều loại siêu vi gây bệnh cho trẻ em nhưng nguy hiểm nhất là siêu vi gây bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh thủy đậu.
– Nhiễm vi trùng: Thường gặp nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amiđan, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản. Có thể là tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn như bệnh tả, bệnh kiết lỵ, bệnh thương hàn… hoặc những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, viêm màng não do não mô cầu, nhiễm trùng máu…
– Một số tác nhân gây nhiễm trùng khác có thể làm trẻ bị sốt như nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm lao.
2. Nguyên nhân không do nhiễm trùng
– Tăng nhiệt độ do trẻ được ủ ấm quá kỹ.
– Tiêm chủng: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị sốt sau khi được tiêm chủng những loại văcxin trong năm đầu đời.
– Mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, cha mẹ không nên quá lo lắng.
– Một số trẻ có thể bị sốt do thuốc, bệnh lý rối loạn miễn dịch, bệnh lý ác tính…
Chăm sóc đúng cách trẻ bị sốt tại nhà
1. Chăm sóc thiết yếu và cơ bản
Khi xác định trẻ bị sốt, cha mẹ nên cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ nên cho bé mặc quần áo rộng thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt. Một số phụ huynh mắc sai lầm khi thấy con mình vừa sốt vừa run, sợ con bị lạnh nên quấn nhiều quần áo, đắp nhiều chăn mền làm trẻ càng sốt cao và có thể làm bé bị co giật mà dân gian gọi là “làm kinh”.
Cho trẻ uống nhiều nước vì sốt thường làm bé mất nước, nằm nghỉ ở nơi thông thoáng, theo dõi nhiệt độ bằng nhiệt kế mỗi 4h. Cho uống thuốc hạ sốt khi vượt 390C. Thuốc được chọn lựa là Paracetamol đơn chất dạng gói hay sirô…
Đây là những thuốc hạ sốt dễ sử dụng, hiệu quả hạ sốt nhanh, thường sẽ có tác dụng hạ sốt 30 phút sau khi sử dụng và kéo dài 4-6h, ít tác dụng phụ. Cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 mg-15 mg cho mỗi kg một lần uống, lặp lại sau 4h nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3-4 lần một ngày, tổng liều tối đa không quá 60 mg một kg mỗi ngày.
Cha mẹ cần chú ý trẻ em trong nhóm tuổi 6 tháng đến 5 tuổi khi sốt quá cao có thể bị co giật, cần hạ sốt tích cực cho trẻ.
Lau mát cho trẻ bằng nước ấm, nhất là trẻ có tiền căn co giật do sốt cao, theo những bước sau:
– Cởi hết quần áo trẻ, dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, đặt hai bên nách và hai bên háng trẻ, chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người trẻ. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu làm trẻ mát. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường (370C). Thông thường nhiệt độ sẽ hạ trong khoảng 30-45 phút.
– Nếu trẻ khóc và phản đối việc đắp khăn ấm, cha mẹ có thể đặt bé ngồi vào thau nước ấm cho trẻ cảm thấy thoải mái, rồi dùng khăn lau vùng bẹn, vùng nách và khắp người cháu.
2. Những điều nên tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt
– Không nên ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo khi trẻ đang sốt.
– Không nên dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt.
– Không nên pha rượu, cồn hoặc dấm vào nước để lau mát cho trẻ.
– Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não (hội chứng Reye).
– Tránh tâm lý “sốt ruột” cần cho trẻ hạ sốt nhanh nên vừa cho trẻ uống hạ sốt vừa nhét hậu môn cùng lúc vì sẽ gây tình trạng quá liều.
– Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát tích cực… mà vẫn không hạ nhiệt, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị thích hợp hơn.
3. Những tình huống cần đưa trẻ ngay đến bệnh viện
– Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 380C; trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức.
– Trẻ bị nôn tất cả mọi thứ; bị co giật hoặc bị sốt kèm tay chân lạnh run.
– Trẻ bú kém, bỏ bú hoặc bỏ ăn; không uống được bất cứ thứ gì.
– Trẻ nhỏ có thóp trước (mỏ ác) phồng lên; bé có dấu hiệu cổ cứng.
– Trẻ có dấu hiệu xuất huyết; nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, ói ra máu, đi tiêu phân đen như bã cà phê hoặc có biểu hiện lừ đừ, tím tái, tay chân nhớp lạnh.
Theo ThS.BS Đinh Thạc – BV Nhi đồng 1 & VnExpress