Sữa bò và chế phẩm từ sữa bò là những thực phẩm bổ dưỡng, thường được sử dụng trong nhiều gia đình, đặc biệt là dành cho các bé dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, mẹ có biết: có đến 7% trẻ em dưới 1 tuổi bị dị ứng đạm sữa bò? Nếu không sớm phát hiện và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, thì việc dị ứng đạm sữa bò sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bé, hãy cùng tìm hiểu về chứng bệnh này nhé!
1/ Dị ứng đạm sữa bò là gì?
Cũng như các loại dị ứng khác, dị ứng đạm sữa bò xảy ra khi cơ thể của bé “khó chịu” khi sữa bò xâm nhập vào trong cơ thể thông qua hệ tiêu hoá. Dị ứng đạm sữa bò xảy ra khi hệ miễn dịch của bé “nhận diện” sai đạm có trong sữa bò và cho rằng đây là một chất độc hại. Vì vậy, hệ miễn dịch sẽ cố gắng bảo vệ bé bằng cách “chống” lại các chất đạm có trong sữa, gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như khó thở, phát ban, sưng mặt, nôn trớ…

Theo thống kê, thì có khoảng 2-7% trẻ em dưới 1 tuổi bị dị ứng đạm sữa bò, và đa số thì các bé sẽ tự khỏi khi được hơn 3 tuổi. Các bé bú sữa công thức ngay sau khi sinh có tỷ lệ mắc dị ứng đạm sữa bò cao hơn so với các bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
2/ Biểu hiện nhận biết bé bị dị ứng đạm sữa bò
Nguyên nhân gây dị ứng đạm sữa bò, là do hệ miễn dịch của bé còn khá non yếu, nên dễ nhận diện nhầm các chất vô hại thành có hại. Đây cũng là lý do giải thích cho việc các bé dưới 1 tuổi rất dễ bị dị ứng với các thực phẩm như tôm, cua, lòng trắng trứng, đậu phộng…Bản chất của dị ứng đạm sữa bò là do bé chưa sẵn sàng để “tiếp nhận” sữa bò cũng như các chế phẩm từ sữa bò; do đó, hầu hết các bé sẽ khỏi bệnh dị ứng này khi được 2 đến 5 tuổi, lúc cơ thể đã cứng cáp hơn. Đặc biệt, có một số trường hợp, bé bú mẹ hoàn toàn nhưng khi mẹ uống sữa bò hoặc dùng những chế phẩm từ sữa bò thì bé cũng sẽ có những dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò nếu hệ miễn dịch của bé yếu.
Các triệu chứng dị ứng đạm sữa bò rất đa dạng và phức tạp; vì thế, bố mẹ cần hiểu rõ cơ địa của con mình, để kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ, đó thường là những vấn đề về da (chiếm khoảng 50-70% biểu hiện bên ngoài), hô hấp (chiếm khoảng 20-30% biểu hiện bên ngoài) và tiêu hóa (50-60% trường hợp có những biểu hiện rối loạn tiêu hoá). Những biểu hiện dị ứng đạm sữa bò có thể xảy ra gần như ngay sau khi sử dụng sữa hoặc ẩn đi và biểu hiện sau đó vài ngày đến 1 tuần.

- Nếu sau khi bé uống sữa bò từ vài phút đến một giờ mà có những biểu hiện chàm, phát ban, nổi mẩn đỏ, sưng mặt, nôn trớ, thở khò khè, tiêu chảy…là có khả năng cao bé dị ứng với đạm sữa bò, mẹ cần đưa bé đến cơ sở Y Tế để khám và điều trị ngay.
- Trường hợp sau vài giờ được uống sữa bò hoặc dùng các chế phẩm từ sữa bò mà bé có những biểu hiện: nôn trớ, tiêu chảy có máu, chàm và phát ban nhiều trên khắp người…thì mẹ cũng cần đưa bé đến cơ sở Y Tế để khám và điều trị ngay.
- Trường hợp cơ thể bé phản ứng chậm thì sau khi sử dụng sữa bò hoặc các chế phẩm từ sữa bò vài ngày (ít hơn 1 tuần) thì bé sẽ xuất hiện các triệu chứng: chàm, nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, đi tiêu ra máu, hen, thở khò khè…
Khi thấy con có những biểu hiện (hoặc nhiều biểu hiện kết hợp) trong những khoảng thời gian như trên sau khi uống sữa bò, mẹ nên đưa bé đi khám tại các cơ sở Y Tế, trước là để chữa trị ngay các ảnh hưởng sức khỏe mà bé đang gặp phải, sau là để xác định bé nhà mình có bị dị ứng đạm sữa bò hay không để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp.

3/ Phân biệt giữa dị ứng đạm sữa bò và không tiêu hoá sữa bò:
Có một triệu chứng cơ thể bé “khó chịu” với sữa bò nữa đó là tình trạng bé không hấp thu, tiêu hoá được đường Lactose (đây là loại đường có trong tất cả các loại sữa – kể cả sữa mẹ – cung cấp tới 40% năng lượng, giúp bé hấp thụ sắt và canxi, đồng thời đảm bảo cho bé phát triển khỏe mạnh). Triệu chứng này được gọi là “Bất Dung Nạp Lactose” hoặc “Không Tiêu Hoá Sữa Bò”.
Dấu hiệu của không tiêu hoá sữa bò cũng gần giống dị ứng đạm sữa bò: Đầy hơi, trướng bụng, hay đánh rắm, phân chua (có thể gây đỏ hậu môn)…Bệnh này thường không kèm theo các biểu hiện chàm, nổi mẩn hoặc hô hấp khó…
Nhưng nhìn chung, khi thấy bé có những biểu hiện bất thường về sức khoẻ sau khi uống sữa bò hoặc dùng những chế phẩm từ sữa bò, hoặc bú mẹ sau khi mẹ dùng các chế phẩm từ sữa…thì mẹ cũng nên đưa bé đến cơ sở Y Tế để thăm khám, kiểm tra.
Theo BSNhí