Lần đầu tiên bé ăn thức ăn thô là một dấu mốc rất quan trọng đối với sự phát triển và đó cũng là 1 chương mới cực kỳ thú vị trong cuộc đời bé.
Những tín hiệu đúng báo rằng bé đã thực sự sẵn sàng?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng của Phòng khám Dinh dưỡng xã hội hóa đầu tiên tại Việt Nam, cách đáng tin cậy nhất để chứng minh rằng bé đã sẵn sàng ăn dặm chính là sự quan sát tổng thể các dấu hiệu xuất hiện cùng lúc với những thay đổi quan trọng của cơ thể bé để có thể đương đầu với thức ăn thô.
Đó chính là sự phát triển của hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa, sự tăng trưởng và phát triển của khoang miệng. Đó là khi bé có thể ngồi mà không cần hoặc có thêm chút xíu trợ giúp thôi hay là khi bé có thể giơ tay với, chộp đồ vật rồi đưa nó lên miệng nhanh và chính xác hoặc là khi bé có thể gặm đồ chơi và có các động tác như nhai chúng, tự nhét thức ăn vào miệng…
Những tín hiệu sai báo rằng bé đã sẵn sàng?

Theo thực tế nghiên cứu và làm việc, có 7 tín hiệu sai báo rằng bé đã sẵn sàng cho quá trình ăn dặm.
Thứ nhất, thức dậy vào ban đêm: Nhiều cha mẹ bắt đầu cho ăn dặm sớm với hi vọng nó sẽ giúp các con ngủ qua đêm. Họ cho rằng con dậy là bởi con đói nhưng đây là nguyên nhân không chính xác. Nếu bé thực sự đói, các bé dưới 6 tháng cần được ăn sữa chứ không phải đồ ăn thô.
Thứ hai, cân nặng tăng chậm: Đây là lý do phổ biến khiến cha mẹ được khuyên nên cho bé ăn dặm sớm, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng chậm tăng cân thường diễn ra vào khoảng 4 tháng tuổi, đó là điều bình thường, đặc biệt đối với các bé ăn sữa mẹ.

Thứ ba, quan sát cha mẹ ăn: Từ khoảng 4 tháng, các bé bị mê hoặc bởi các hoạt động hàng ngày của gia đình, như mặc quần áo, cạo râu, đánh răng và ăn. Nhưng chúng không hiểu những điều đó nghĩa là gì – chúng chỉ tò mò mà thôi.
Thứ tư, gây ra tiếng đánh lưỡi: Những bé đang học cách sử dụng miệng rất hứng thú thực hành những kỹ năng này, bé hào hứng học nói cũng nhiều như học ăn vậy. Một phần trong bé cũng đang dần chuẩn bị sớm cho việc tiếp nhận thức ăn thô, nhưng điều đó không có nghĩa là bé đã sẵn sàng.

Thứ năm, không ngủ ngay sau khi ăn sữa: Các bé khoảng 4 tháng tuổi cảnh giác và tỉnh táo hơn các bé nhỏ; chúng đơn giản là không cần ngủ nhiều như trước nữa.
Thứ sáu, em bé thể hình nhỏ: Khi các bé có thể hình nhỏ có nghĩa bẩm sinh bé nhỏ nhắn, hoặc là bé cần nhiều dưỡng chất hơn. Nhưng nếu bé dưới 6 tháng tuổi, cái bé cần để lớn lên là sữa chứ không phải đồ ăn thô.
Thứ bảy, bé có thể hình to: Những bé sinh ra đã to (hoặc tăng cân rất nhanh) không cần đến thức ăn ngoài. Bé to do gen di truyền, hoặc bé được cho ăn nhiều sữa hơn nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa và sức đề kháng của các bé không hề trưởng thành hơn bất kỳ em bé nào khác, do đó sức khỏe của bé cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu được cho ăn dặm trước 6 tháng tuổi.
Theo dantri.com.vn