Vị giác của trẻ khác với vị giác của người lớn. Việc nêm mắm, muối vào thức ăn của trẻ mẹ cũng cần phải chú ý để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Nhiều bà mẹ trẻ băn khoăn có nên nêm mắm, muối, bột nêm… vào bát cháo của con và nêm với lượng thế nào là vừa đủ? Việc nêm mắm vào món ăn của trẻ không hề đơn giản, nếu mẹ không tìm hiểu kỹ có thể làm hại con.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, thời điểm bắt đầu cho bé ăn dặm (6 tháng tuổi) không nên thêm muối hay gia vị khác. Sau 2 tháng khi trẻ được 8 tháng thì có thể nêm một ít mắm.
Quy tắc mẹ cần nhớ khi nêm mắm vào cháo, bột của con:
– Nêm nhạt so với khẩu vị của mẹ vì vị giác của bé còn rất nhạy. Nêm vừa miệng người lớn là quá mặn đối với bé
– Mắm muối cần được cho vào lúc thịt (cá, bột và cháo) đã chín và trước khi cho rau và dầu ăn.
– Nêm với lượng vừa đủ theo độ tuổi. Lượng muối, mắm chuẩn bé theo từng độ tuổi:
– Bé 1-3 tuổi: 1,5g/ngày.
– Bé 4-8 tuổi: 1,9g/ngày.
– Bé 9-13 tuổi: 2,2g/ngày.
– Bé 14-18 tuổi: 2,3g/ngày.
Tác hại của việc mẹ nêm muối, mắm quá mặn:
Khi trẻ được ăn thừa lượng muối thì lượng dư này sẽ được thải qua nước tiểu. Lượng muối quá nhiều sẽ là gánh nặng cho phần thận vẫn còn non nớt của trẻ khiến thận của trẻ phải làm việc “cật lực” hơn về lâu dài dễ đưa đến các bệnh về cao huyết áp, tổn hại thận, phù thũng, rối loạn nhịp tim,…
Đồng thời do ăn mặn nên lượng nước uống vào tăng, nếu vượt mức cần thiết thì tăng áp lực thẩm thấu vào máu, nước được tích giữ làm hại hệ tim mạch. Hàm lượng muối thừa cũng là nguyên nhân khiến trẻ béo phì.
Việc ăn nhiều muối cũng làm cho cơ thể kém hấp thu kẽm, gây nên tình trạng biếng ăn, khó ngủ và chậm lớn.
Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ.
Theo Yeutretho/Người Đưa Tin