Nhiều bà mẹ trẻ gặp phải sai lầm khi chăm sóc rốn bé sau sinh vì chưa có kinh nghiệm và kiến thức nhất định, điều đó khó có thể tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc xảy ra
Đến khi đủ chín tháng mười ngày bé cất tiếng khóc chào đời, người đỡ đẻ cắt rốn cho bé và thế là dấu tích của sự nối kết kỳ diệu giữa mẹ và con ngày nào nay chỉ còn là cái cuống rốn nhỏ dài độ 4-5 cm. Nhưng chính cái cuống rốn nhỏ này lại gây lúng túng cho các bà mẹ trẻ.

Các chị thường bối rối không biết phải chăm sóc rốn cho bé như thế nào và thường làm theo những lời mách bảo của những người lớn tuổi trong gia đình hoặc xung quanh. Nhiều trường hợp các chị vô tình đã làm bé bị nhiễm trùng hoặc ngộ độc như băng rốn quá kín, bôi thuốc đỏ, rắc kháng sinh, thậm chí là rắc tiêu, đắp chất bẩn, sái á phiện lên rốn càng làm cho bé thêm nguy kịch.
Bình thường rốn bé sẽ rụng trong vòng từ 7 đến 10 ngày sau sinh và sau 15 ngày thì cuống rốn liền hoàn toàn. Khi chưa liền, rốn là một ngõ vào quan trọng gây nhiễm trùng tại chỗ và từ ổ nhiễm trùng này vi trùng vào máu gây nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong cho trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Sai lầm của các bà mẹ khi chăm sóc rốn cho bé
Khi đón bé về nhà không chú ý đến rốn, sợ con đau không dám mở miếng gạc, để đến 2-3 ngày không thay băng rốn, việc này dễ gây nhiễm trùng rốn.
Dùng cồn nồng độ cao lau quanh rốn làm bé bị bỏng da, đau rát.
Để băng rốn ngấm nước tiểu.
Một số mẹ thấy rốn trẻ còn ướt hoặc rỉ nước thì thoa dầu, rắc thuốc mà không hỏi ý kiến bác sỹ chuyên môn càng làm cho tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.

Chăm sóc rốn cho bé đúng cách
Núm rốn ban đầu có màu vàng xanh, sau đó sẽ chuyển sang màu nâu và cuối cùng là màu đen. Khi đó, nó sẽ khô và tự rụng. Trong thời gian này, cần phải chăm sóc núm rốn thật cẩn thận.
Cần thay băng và làm vệ sinh rốn ít nhất ngày 1 lần. Khi cuống rốn còn tươi, có thể dùng cồn pha iốt, nhưng khi cuống rốn đã khô chỉ nên dùng cồn 70 độ hoặc 90 độ. Trong vòng từ 7-12 ngày rốn khô sẽ rụng tự nhiên, chỗ rốn mới rụng sẽ mọc tổ chức hạt, lên da và thành sẹo. Ở trẻ non tháng dây rốn chậm rụng hơn, có thể hơn 2 tuần
Nếu núm rốn bị bẩn và rỉ nước, hãy rửa nó với xà bông diệt khuẩn không gây kích ứng và nước ấm sau đó lau khô. Dùng tã sạch và khô cuốn xung quanh vùng rốn.
Tránh cấu hay giật núm rốn ra, mà nên để tự nó rụng ra.

Vệ sinh rốn :
Dụng cụ: Gạc mỏng vô trùng, cồn, băng rốn sạch, mỏng, bông gòn vô trùng.
Rửa tay thật sạch bằng xà bông, sau đó sát trùng với cồn 70-90 độ
Dùng tay trái để lộ đầu cuống rốn lên để lộ phần chân rốn
Lấy tăm bông tẩy dung dịch povidin 10% bôi xung qunah chân rốn, sau đó bôi từ chân rốn lên cuống rốn, từ trong chân rốn ra ngoài vùng da xung quanh.
Chờ khi rốn bé khô, lấy gạc vô trùng quấn quanh rốn và băng lại bằng vòng băng thun vô trùng.
Nếu quá trình chăm sóc núm rốn không cẩn thận, sẽ rất dễ bị nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng thường có biểu hiện: Sưng phồng xung quanh rốn, rỉ máu, chảy mủ vàng, xuất hiện ùi hôi. Cần phải đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay nếu có những biểu hiện trên, để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Tổng hợp
Giadinh360.vn