Hạ canxi trong máu là một căn bệnh rất dễ gặp ở các bé sơ sinh, nhất là trong 2 tuần đầu khi bé chào đời, vì thế mẹ phải hết sức cẩn trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh để sớm phát hiện, phòng ngừa căn bệnh này.

1/ Nguyên nhân gây hạ canxi trong máu?
Hạ canxi trong máu thường xuất hiện ở các bé nhỏ hơn 2 tuần tuổi. Bởi vì, trong thời gian này, bé phát triển rất nhanh về thể chất và kích thước so với lúc mới sinh và hệ xương của bé cũng cần hấp thu một lượng canxi lớn để phát triển, do đó dễ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt canxi trong máu.
Khi lượng canxi trong máu của bé bị thấp bất thường sẽ dẫn đến việc bé bị kích thích, dễ quấy khóc, giật mình, đổ mồ hôi, ọc sữa… Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thì hạ canxi trong máu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của hệ xương, gây biến dạng xương, cong vẹo cột sống… Nguy hiểm hơn, với tình trạng nặng, bé có thể khóc thét, khó thở, co thắt thanh quản và tử vong.

Vì thế, khi chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ cần hết sức chú ý tình trạng này, nhất là khi bé nhà mình sinh nhẹ cân, hoặc bị chẩn đoán chậm phát triển trong tử cung, hoặc bé sinh non, thậm chí trường hợp mẹ bị tiểu đường cũng gây nguy cơ cao bé sẽ bị hạ canxi trong máu.
Ngoài ra các bé đẻ khó, bị ngạt, sau khi đẻ bé bị thiếu oxi trong máu cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc căn bệnh này.
2/ Biểu hiện hạ canxi trong máu:
Tùy theo mức độ của tình trạng hạ canxi trong máu mà bé có các dấu hiệu khác nhau từ nhẹ đến nặng. Và mẹ hoàn toàn có thể nhận biết được dấu hiệu này trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh.
Bé bị hạ canxi trong máu thường khóc thét khi đang ngủ, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc có thể kéo dài khá lâu và ngày càng dữ dội. Nếu bé có hiện tượng khóc không ngớt khi bú, thở rít (phát ra âm thanh như tiếng rít của người lớn), và thường xuyên khó thở, nấc cụt, ọc sữa, són phân, són tiểu thì mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra ngay vì có thể bé đã bị hạ canxi trong máu.

3/ Cách phòng ngừa hạ canxi trong máu:
Cách phòng ngừa hạ canxi trong máu hiệu quả và đơn giản nhất, đó là ngay trong thời kỳ mang thai, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bà bầu thật phù hợp, đa dạng, bổ sung nhiều thực phẩm chứa canxi như tôm, sò, ốc, nấm đông cô, rau muống, mè đen.. hoặc có thể uống thêm sữa bổ sung canxi nếu như mẹ bị dị ứng hoặc không ăn được các loại thực phẩm trên.
Ngoài ra, trong quá trình mang thai, mẹ cũng cần kiểm soát cân nặng một cách hợp lý, tránh tình trạng tăng cân quá nhiều vì sẽ gây nguy cơ béo phì và tiểu đường thai kì – một căn nguyên của tình trạng hạ canxi ở trẻ nhỏ. Nói một cách đơn giản, khi mang thai, mẹ hãy cố gắng ăn uống đa dạng nhóm thực phẩm, nhưng chừng mực vừa đủ no, đừng ăn kiêng hoặc ép mình ăn quá nhiều. Từ tháng thứ 5-6, mẹ có thể tham gia các lớp thể dục cho mẹ bầu để vận động nhẹ nhàng, giúp máu huyết lưu thông, hỗ trợ cho quá trình sinh nở về sau nhẹ nhàng, dễ dàng hơn.
Sau khi sinh bé, mẹ cũng cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, không ăn kiêng, bổ sung nhiều canxi từ thịt cá, tắm nắng để cơ thể tổng hợp vitamin D. Qua đó, cơ thể mẹ có thể sản xuất ra nguồn sữa mẹ tốt nhất để chăm sóc trẻ sơ sinh. Và mẹ hãy cố gắng cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên cho bé tắm nắng đúng cách để hỗ trợ cho quá trình hấp thụ canxi, tránh tình trạng trẻ thiếu canxi, chậm phát triển chiều cao.
Theo bsnhi.vn