Cứ 5 trẻ dùng kháng sinh thì một cháu bị tiêu chảy. Tình trạng này xảy ra với bất kỳ loại kháng sinh nào.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên thường ít gặp rắc rối hơn. Phần lớn các bé chỉ bị tiêu chảy mức độ nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng nếu không mất nước. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm cung cấp đủ nước cho con. Trong thời gian dùng kháng sinh bé có thể đi ngoài phân lỏng hoặc toàn nước.
Tiêu chảy thường kéo dài 1-7 ngày, bắt đầu giữa ngày thứ 2 và ngày thứ 8 của đợt điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xuất hiện ngay ngày đầu tiên và kéo dài vài tuần sau khi ngừng thuốc.
Nguyên nhân:
Ruột của trẻ chứa hàng triệu vi khuẩn giúp tiêu hóa thức ăn. Khi kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh, chúng đồng thời cũng tiêu diệt các vi khuẩn lành. Quá trình các vi khuẩn này chết đi rồi phát triển trở lại trong ruột gây ra hiện tượng tiêu chảy.
Biến chứng:
– Mất nước có thể rất nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ dưới một tuổi. Chú ý cho bé uống đủ nước để thay thế lượng nước bị mất. Theo dõi để phát hiện kịp thời các dấu hiệu mất nước như đi tiểu ít, mệt mỏi, quấy khóc, miệng khô…
– Đôi khi trẻ có thể bị viêm đại tràng do dùng kháng sinh.
Biểu hiện viêm đại tràng:
– Tiêu chảy nặng, có thể có máu hoặc nhầy trong phân.
– Sốt.
– Đau bụng.
– Mệt mỏi bất thường.
Chăm sóc bé tại nhà:
– Tiếp tục dùng kháng sinh: Nếu tiêu chảy nhẹ và sức khỏe bé vẫn ổn định, hãy tiếp tục sử dụng kháng sinh và chăm sóc bé tại nhà.
– Cung cấp đủ nước cho bé: Thường xuyên cho bé uống nước. Không cho uống nước quả hay các đồ uống có gas vì những thứ này có thể làm tiêu chảy trầm trọng hơn.
– Tránh một số loại thức ăn: Thực hiện chế độ ăn bình thường nhưng không cho con ăn các loại đậu hạt vì thực phẩm này có thể sinh nhiều hơi ở ruột. Cũng không nên cho trẻ dùng thực phẩm nhiều gia vị.
– Xử lý hăm tã: Nếu tiêu chảy khiến bé bị hăm quanh hậu môn hoặc vùng đóng bỉm, bạn cần vệ sinh nhẹ nhàng vùng này với nước sạch, lau khô rồi thoa lên đó một lớp vaselin, kem chứa kẽm (Zincofax, Penaten) hoặc các kem chống hăm khác.
– Sử dụng probiotics theo chỉ định của bác sĩ: Probiotics bổ sung các vi khuẩn “lành”. Các nghiên cứu hiện hành chưa xác nhận lợi ích của probiotics trong ngăn ngừa hay điều trị tiêu chảy do kháng sinh.
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng probiotics. Bạn cũng có thể dùng thực phẩm chứa probiotics như sữa chua để thay thế.
Lưu ý:
– Không sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
– Không cho bé dùng thuốc cầm tiêu chảy như Imodium, trừ trường hợp được bác sĩ yêu cầu. Các thuốc này có thể khiến tình trạng viêm ruột nặng hơn.
Theo vnexpress.net