Tình trạng răng mọc lệch xuất hiện hầu hết ở trẻ em trong tuổi thay răng.
Nguyên nhân dẫn đến răng mọc lệch?
Tình trạng răng mọc lệch xảy ra ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân:
– Do di truyền như cha có xương hàm nhỏ nhưng mẹ có răng quá to, khiến răng của con không thể sắp xếp ngay ngắn trên cung hàm.
– Những thói quen ngậm núm vú, mút ngón tay, thở miệng, đẩy lưỡi, mím môi trên cắn môi dưới… đều có thể dẫn đến tình trạng răng mọc lệch.
– Những chấn thương ở răng lúc nhỏ, chế độ dinh dưỡng, sâu răng sữa, nhổ răng sữa sớm.

Cách phát hiện sớm răng mọc lệch của trẻ?
Thông thường, răng mọc lệch có thể được nhận biết bằng cách theo dõi quá trình mọc răng của trẻ hay quan sát vẻ mặt bên ngoài. Đó có thể là một trong các dấu hiệu dưới đây:
– Trẻ con thường có những thói quen xấu như mút tay, thở miệng, đẩy lưỡi, chống cằm, cắn chặt răng….
– Hàm dưới đưa ra phía trước quá nhiều, hàm dưới cắn phủ hàm trên.
– Bị chấn thương do té, ngã, tai nạn.
– Hàm răng sữa mọc chen chúc.
– Nhổ răng quá sớm.
– Răng sữa tồn tại quá lâu trong cung hàm.
– Răng sữa bị sâu, vỡ lớn, chết tủy có mủ ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn đang mọc bên dưới.

Ngoài ra răng vĩnh viễn mới mọc các phụ huynh cũng cần lưu ý những vấn đề sau:
– Răng mới mọc đã bị hô, móm, mọc ngầm, mọc kẹt, mọc lệch.
– Răng mới mọc quá thưa.
– Răng mọc quá lớn ảnh hưởng đến khoảng của các răng khác.
Khi phát hiện răng trẻ có những dấu hiệu bất thường có thể ảnh hưởng đến răng của trẻ sau này, bạn cần phải đưa trẻ tới ngay nha sỹ có uy tín trong ngành nha khoa để được khám và tư vấn kỹ lưỡng, nhằm giảm nguy cơ lệch lạc đồng thời giảm được chi phí và thời gian điều chỉnh răng sau này.

Điều trị tình trạng răng mọc lệch khi nào thì phù hợp?
Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, tuổi lý tưởng để thực hiện chỉnh hình răng hàm mặt là từ 10 – 15 tuổi. Ở lứa tuổi này, xương hàm đang phát triển, nên thuận lợi cho việc nới rộng và sắp xếp lại các răng. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp răng lệch lạc biểu hiện rõ, bác sĩ sẽ giải quyết sớm, không chờ đến lúc răng sữa được thay hết vì khi đó hàm răng sẽ lệch lạc nặng hơn.
Đặc biệt, đối với bệnh nhân có xương hàm dưới phát triển quá mức (móm), các bác sĩ nha khoa khuyên nên điều trị trước 8 tuổi. Càng lớn tuổi, việc chỉnh răng càng lâu, gây khó khăn và tốn kém hơn. Chỉnh răng sớm sẽ giúp sắp xếp ngay ngắn răng mà không cần nhổ hoặc nới rộng xương hàm.
Theo Gia đình Việt Nam