Hãy theo sự dẫn dắt của bé là kỹ thuật nền tảng giúp tăng khả năng học hỏi và sự chủ động của trẻ. Ở kỹ thuật này, bạn để bé chọn đồ chơi hoặc hoạt động.
Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ tham gia vào các hành vi chơi và hành vi xã hội phù hợp hơn và có ít hành vi quấy phá khi các bé được chọn hoạt động thay vì người lớn chọn. Điều này đúng ngay cả khi người lớn chọn một hoạt động mà bé thích. Bằng việc để bé chọn đồ chơi hay trò chơi, bạn có thể yên tâm rằng bé sẽ tham gia và hào hứng. Khi bé càng chịu tham gia và hào hứng thì bé càng học được nhiều.
Hãy theo sự dẫn dắt của bé còn cho bé cơ hội khởi xướng hoạt động giao tiếp với bạn. Điều này cho bạn thấy cách mà bé giao tiếp khi không có sự hỗ trợ của bố mẹ. Có một vài bước chính trong việc áp dụng kỹ thuật Hãy theo sự dẫn dắt của bé một cách hiệu quả.

Hãy để bé chọn hoạt động chơi
Khi bé đã chọn đồ chơi, hãy đợi xem bé chơi đồ chơi đó như thế nào. Bằng việc chờ đợi, bạn cho bé cơ hội khởi xướng trò chơi và dẫn dắt trò chơi. Việc bố mẹ để con dẫn dắt tất cả các hoạt động có thể khó khăn. Điều này đặc biệt đúng khi các bé thay đổi hoạt động một cách nhanh chóng. Nhiều bố mẹ cố gắng dạy trẻ cách chơi, hoặc yêu cầu trẻ tiếp tục chơi khi trẻ đã chán. Tuy nhiên, để áp dụng kỹ thuật này có hiệu quả, hãy đảm bảo rằng bạn luôn luôn giám sát sự chú ý của con. Nếu bé lấy một đồ chơi mới, hãy theo bé chơi đồ chơi đó thậm chí ngay cả khi bạn phải dừng chơi với một đồ chơi khác mà vừa mới đây bé rất thích. Dần dần, bạn sẽ tăng thời lượng bé tham gia bất kỳ một hoạt động nào.
Luôn đối diện với bé
Luôn đặt mình trong tầm mắt của bé, để bé có thể dễ dàng giao tiếp mắt với bạn và nhìn thấy bạn đang làm gì. Vì giao tiếp mắt là một dấu hiệu tương tác xã hội vô cùng quan trọng, chúng tôi muốn tăng giao tiếp mắt của bé. Ngoài ra, khi bé có thể dễ dàng nhìn thấy bạn, bé sẽ có cơ hội xem bạn đang làm gì. Bạn sẽ dễ dàng trở thành một phần tích cực trong hoạt động chơi của bé. Nếu bạn ở đằng sau bé, bé không thể nhìn thấy bạn đang làm gì, và bé có thể không nhận thấy bạn là một phần của hoạt động tương tác.

Tham gia vào trò chơi của bé
Nếu bé xây một cái tháp, bạn hãy đưa cho bé các khối hình hoặc luân phiên xếp các khối hình lên tháp. Nếu bé lái ô tô, hãy đặt một người vào ô tô. Nếu bé phản đối thì đó chính là một hình thức giao tiếp, hãy làm theo ý bé. Đối với một số trẻ, rất khó làm cho các bé đáp lại các trò chơi chân tay hay cảm giác. Ví dụ, bé thích trèo, hãy cho bé chơi trò lộn xộn; nếu bé thích quay tròn, hãy cho bé quay tròn trên một chiếc ghế; nếu bé thích sờ vào bề mặt, hãy cho bé hạt đậu khô hoặc gạo để bé cảm nhận; nếu bé thích nhìn ánh sáng, hãy chơi trò đèn nhấp nháy với bé. Bằng việc cho bé những trải nghiệm cảm giác tích cực, bạn đã khiến mình trở thành một phần trong những trải nghiệm của bé. Hãy nhớ rằng, bé là người dẫn dắt, vì vậy hãy tránh việc chỉ bé cách chơi hay tìm cách dạy bé cách “chơi đúng”.
Bình luận về trò chơi, nhưng không hỏi và không ra lệnh
Bạn có thể bình luận về những gì bé đang làm hay bạn đang làm. Nhưng không hỏi bé các câu hỏi hay ra lệnh; làm như vậy sẽ tước đi vai trò dẫn dắt của bé. Mặc dù khi đó có thể bé vẫn hồi đáp, nhưng sẽ không phải là giao tiếp tự giác. Mục tiêu ở đây là gia tăng sự giao tiếp tự giác của bé và chính bé phải là người muốn bạn chú ý đến bé.

Hãy chờ đợi bé tham gia hoặc giao tiếp với bạn
Sau khi bạn đã làm theo các bước ở trên, hãy chờ đợi. Bạn hãy đợi bất kỳ một dấu hiệu nào rằng bé có thể tham gia hoặc giao tiếp với bạn. Bé có chấp nhận sự tham gia của bạn vào trò chơi của bé không? Nếu như vậy, bé chấp nhận bạn như thế nào? Bé có nhìn vào bạn, làm điệu bộ hay nói gì không, hay là bé bỏ đi không chơi nữa? Bất kỳ một hành động nào trong những hành động này đều có thể là cách thức mà bé giao tiếp một cách tự giác, khi mà bạn không giúp gì bé.
Thường thì bạn sẽ phải cố gắng để không dự đoán xem bé cần gì, không hỏi bé các câu hỏi, không bảo bé phải làm gì, và không lựa chọn trò chơi. Tuy nhiên, việc chờ đợi cho bé một cơ hội để khởi xướng hoạt động giao tiếp. Việc chờ đợi còn đảm bảo rằng hoạt động là do bé lựa chọn. Điều này giúp tăng hứng thú và sự chú ý của bé.

Hãy nhạy cảm, nhưng phải kiên định
Hãy nhạy cảm với sự khó chịu của bé, nhưng phải kiên định khi tương tác với bé. Đừng ngại ngần và bỏ đi khi bé phản đối sự tham gia của bạn. Nếu bé thể hiện sự khó chịu, bé vẫn tương tác với bạn. Hãy ghi nhận cảm xúc của bé, nhưng không rời bỏ hoạt động giao tiếp. Thay vào đó, hãy cố gắng tham gia trò chơi của bé theo một cách khác.
Kiểm soát tình huống
Hãy làm theo sự dẫn dắt của bé, trừ khi bé vi phạm các nguyên tắc của bạn về hành vi. Hãy nhất quán với các nguyên tắc và hệ quả. Hãy nhớ rằng bạn đang kiểm soát tình huống, và do đó bạn sẽ là người quyết định hành vi nào là được phép. Không cho phép những hành vi có thể phá hủy đồ đạc hay làm bị thương bé hoặc người khác. Nếu bé có những hành vi không thể chấp nhận được, hãy cho bé hiểu rõ rằng những hành vi này là không được phép, và lấy đi đồ chơi hay đồ vật gây ra vấn đề.
Khi bạn thực hành kỹ thuật này, tư vấn viên sẽ hỗ trợ bạn xác định các sở thích của bé và tìm hiểu cách thức, nguyên nhân và tần suất mà bé tự giao tiếp. Các yếu tố này sẽ giúp bạn đánh giá kỹ năng giao tiếp độc lập và chơi của bé.
Theo mẹ Công, mẹ Híp, mẹ Mocnhi