Sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng. Nó xảy ra rất nhanh và có thể gây chết người. Con bạn cần được điều trị ngay lập tức và cần phải gọi 115 ( số điện thoại khẩn cấp khi gặp những trường hợp nào có liên quan đến chấn thương, bệnh tật ) hoặc số cấp cứu ở địa phương.
Cách thức điều trị
Loại thuốc chính dùng để điều trị sốc phản vệ là epinephrine . Thuốc này cần phải được bác sĩ kê toa. Nếu con bạn có nguy cơ cao hoặc đã từng bị sốc phản vệ, bạn phải luôn luôn chuẩn bị sẵn epinephrine . Trẻ đủ lớn sẽ được dạy cách tự dùng epinephrine khi cần thiết. Thuốc này được đóng 1 liều chuẩn trong ống tiêm tự động (EpiPen hoặc Auvi-Q) để dễ sử dụng. Trẻ có nguy cơ bị sốc phản vệ nên luôn có sẵn thuốc ở trường cùng với các hướng dẫn cách thức nên sử dụng ra sao và khi nào từ bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia điều trị dị ứng của bé. Các loại thuốc kháng histamines như Benadryl chỉ được dùng thêm vào epinephrine và không nên dùng nó như loại thuốc chính để chữa sốc phản vệ.
Triệu chứng
Sốc phản vệ có rất nhiều triệu chứng khác nhau và thường xảy ra rất nhanh. Các triệu chứng thông thường nhất, có thể tác động đến:
- Da – ngứa, nổi mề đay, đỏ, sưng.
- Mũi – hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi nước.
- Miệng – ngứa, môi hoặc lưỡi sưng phồng.
- Cổ Họng – ngứa, hẹp, khó nuốt, khàn giọng.
- Ngực – thở gấp, ho, thở khò khè, đau ngực, cảm thấy tức thở.
- Tim – mạch yếu, ngất xỉu, sốc.
- Ruột – nôn, tiêu chảy, co thắt.
- Hệ thần kinh – chóng mặt, ngất xỉu, cảm giác như sắp chết
-
Nguyên nhân
- Sau đây là các dị nguyên thường gây ra sốc phản vệ nhất:
- Thức ăn , đặc biệt là đậu phụng, các loại hạt (như hạt hạnh nhân, đậu Brazil, hạt điều, hạt hồ đào và hạt óc chó), các loại hải sản có vỏ (tôm cua sò hến), cá, sữa và trứng. Trong một số ca hiếm, sốc phản vệ có thể xảy ra do ăn một vài loại thực phẩm ngay sau khi thể dục vận động.
- Vết chích côn trùng , ví dụ như ong, ong bắp cày, ong vò vẽ vàng hoặc kiến lửa.
- Thuốc, ví dụ như thuốc kháng sinh và thuốc chống co giật/động kinh. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào, ngay cả aspirin và các loại thuốc chống viêm không chứa chất steroid khác, đều có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng.
Khi nào thì các triệu chứng dị ứng ở trẻ em bắt đầu xuất hiện?
Một số chứng dị ứng có thể xuất hiện từ rất sớm ở trẻ. Ví dụ: bệnh chàm thường xảy ra trong những năm đầu đời, trong khi bệnh sốt cỏ khô có thể xảy ra ở lứa tuổi mầm non hoặc bắt đầu đi học. Ở một số trẻ em, các chứng dị ứng có thể thuyên giảm vào độ tuổi dậy thì. Các trẻ khác có thể vẫn tiếp tục bị dị ứng cho đến lớn.
Điều trị bằng thuốc có hiệu quả không?
Có nhiều loại thuốc để chữa các tình trạng dị ứng, bao gồm thuốc kháng histamine dạng viên hoặc xi-rô, thuốc nhỏ mắt, xịt mũi, thuốc trị suyễn, và các dạng thuốc kem và thuốc mỡ. Một số thuốc không cần toa bác sĩ. Các loại thuốc này có thể làm dịu các triệu chứng như ngứa, hắt hơi, tắc nghẽn, chảy mũi, khò khè, ho, phát ban và suyễn. Thuốc chữa dị ứng có thể có các phản ứng phụ nhẹ ví dụ như buồn ngủ hoặc gây khó chịu. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc chữa dị ứng nào, hãy đọc các cảnh báo in trên nhãn mác. Nếu thuốc không làm giảm các triệu chứng của bé hoặc gây ra phản ứng phụ quá mạnh, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Bé có thể cần loại thuốc hoặc liều lượng thuốc khác. Mặc dù thuốc có thể hiệu quả, nhưng cũng cần phải xác định các tác nhân gây dị ứng và loại trừ nó khi có thể.
Tại sao con tôi cần gặp chuyên gia về dị ứng?
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn đưa con đến gặp một chuyên gia về dị ứng – bác sĩ chuyên điều trị các loại dị ứng. Chuyên gia về dị ứng có thể sẽ
- Tìm các tác nhân gây ra chứng dị ứng của bé.
- Đề xuất các cách thức phòng tránh nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng.
- Đưa ra kế hoạch điều trị.
- Tài liệu tham khảohttp://patiented.aap.org/categoryBrowse.aspx?catID=5003