Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
Dị ứng là một tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, gây ra hiện tượng hắt hơi, ngứa, phát ban mạn tính, thở khò khè hoặc thậm chí còn dẫn đến các phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng. Dù là dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để bạn có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát hầu hết các dạng dị ứng. Hiểu biết về các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của dị ứng sẽ giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng để giúp con mình. Hãy đọc bài để tìm hiểu thêm.
Dị ứng là gì?
Dị ứng xảy ra khi cơ quan giúp cơ thể chống lại bệnh tật (hệ thống miễn dịch) phản ứng quá mức/quá mẫn khi ăn, hít thở, bị tiêm/chích/đốt hoặc sờ vào một chất mà bình thường vốn không gây hại (còn gọi là một dị nguyên/chất gây dị ứng). Dị ứng không phải là một căn bệnh mà chỉ là một cách phản ứng của hệ thống miễn dịch. Phản ứng dị ứng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khác nhau, dẫn đến các bệnh hoặc tình trạng sau:
- Sốc Phản vệ – là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Hen suyễn – Khi các đường khí sưng lên và co thắt, làm các đường thở đưa không khí vào phổi bị thu hẹp. Tình trạng này có thể do một phản ứng dị ứng gây ra, mặc dù các tác nhân không gây dị ứng cũng có thể là nguyên nhân (chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc thể dục, vận động).
- Viêm da tiếp xúc – một dạng ban ngứa khi da tiếp xúc với các loại cây như cây sơn độc (poison ivy) hoặc cây sồi và các hóa chất trong các loại kem, mỹ phẩm và đồ trang sức.
- Bệnh chàm – còn được gọi là viêm da dị ứng, một loại ban ngứa mạn tính.
- Dị ứng thực phẩm – một dạng phản ứng dị ứng với thức ăn, với các biểu hiện khá đa dạng, từ đau bụng, nổi ban, cho đến tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng như sốc phản vệ.
- Sốt cỏ khô – một dạng phản ứng dị ứng trong đường mũi gây ra chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi và hắt hơi. Tình trạng này có thể xảy ra vào một số thời điểm trong năm hoặc quanh năm. Các triệu chứng như mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt thường đi kèm với các triệu chứng về mũi.
- Mề đay – những mảng sưng ngứa do thức ăn, virut, thuốc hoặc các tác nhân khác gây ra.
- Dị ứng với nọc độc côn trùng – có thể có các phản ứng nghiêm trọng khi bị ong vò vẽ vàng, ong bắp cày, kiến lửa hoặc các loại côn trùng khác chích/đốt.
- Dị ứng thuốc – các triệu chứng như phát ban hoặc các biểu hiện nghiêm trọng hơn do sử dụng các loại thuốc kê toa hoặc không kê toa và các loại vắc-xin khác nhau.
Nguyên nhân gây ra dị ứng là gì?
Trẻ em bị dị ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên (chất gây dị ứng). Các dị nguyên có thể xâm nhập cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như thở, ăn uống,tiêm chích (bị côn trùng đốt/chích hoặc do tiêm thuốc) hoặc tiếp xúc qua da. Một số dị nguyên phổ biến là:
- Phấn hoa từ cây cối, các loại cây cỏ, cỏ dại.
- Mốc meo, cả trong nhà và ngoài trời.
- Mối mọt trong chăn ga gối nệm, thảm và các vật dụng có hơi ẩm khác.
- Vảy da động vật trên các loại thú như mèo, chó, ngựa và thỏ.
- Một số loại thuốc và thức ăn.
- Nọc độc từ vết chích/đốt côn trùng.
Dị ứng thường có tính di truyền. Nếu cha/mẹ có dị ứng, con họ sẽ có nhiều khả năng cũng bị dị ứng. Nguy cơ này càng tăng khi cả cha và mẹ đều bị dị ứng.
Làm sao để phân biệt các triệu chứng của dị ứng với triệu chứng của cảm lạnh?
Các loại dị ứng gây tác động đến mũi có thể có các triệu chứng sau :
- Mũi chảy, ngứa với nước mũi trong và loãng và/hoặc nghẹt mũi.
- Chảy nước mắt, ngứa mắt.
- Hắt hơi liên tục và ngứa mũi, ngứa mắt hoặc ngứa da và các triệu chứng này kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.
- Không sốt.
- Thường xảy ra theo mùa (ví dụ như mùa xuân, hè, thu hoặc trước mùa sương giá).
Mặc dù các dị ứng viêm mũi đôi khi có thể gây ra buồn ngủ, thường thì trẻ em bị các triệu chứng dị ứng mũi thường không tỏ vẻ đau ốm.
Các triệu chứng cảm bao gồm :
- Nghẹt mũi.
- Nước mũi trong hoặc có màu và đặc, thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày, kèm theo sốt hoặc không, thường xảy ra vào một số thời điểm trong năm, chẳng hạn như mùa cảm cúm.
- Thỉnh thoảng hắt hơi
- Cảm giác bệnh, mệt mỏi, phờ phạc, và biếng ăn.
- Tài liệu tham khảohttp://patiented.aap.org/categoryBrowse.aspx?catID=5003