Nếu bé bị tiêu chảy kéo dài, kèm theo đau bụng, nôn mửa thì mẹ nên đặc biệt lưu ý vì rất có thể bé đã bị ngộ độc thức ăn. Và ngộ độc thức ăn là một tai nạn hết sức nguy hiểm mà mẹ nên hiểu rõ, để có cách xử lý kịp thời nếu như bé nhà mình không may gặp phải.

1/ Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thức ăn ở bé
Ngộ độc thức ăn ở bé có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, và có thể kể đến 3 nguyên nhân chính sau. Đầu tiên, là do nhiễm vi sinh vật như Salmonella, E.Coli, Clostridium Perfringens, Listeria do ăn phải nghêu, sò, ốc và thịt gà… có chứa mầm bệnh. Thứ 2, là do ăn phải thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, như chất tẩy trắng, làm tươi, chất bảo quản và đặc biệt là chất kích thích sinh trưởng trong rau quả. Và cuối cùng, là do nhiễm độc tự nhiên có trong thực phẩm.
2/ Biểu hiện của ngộ độc thức ăn ở bé
Ngộ độc thức ăn ở trẻ em thường rất dễ nhận biết và thường xuất hiện sau khi bé ăn thức ăn từ 1-3 giờ. Bé bị tiêu chảy, đau bụng dữ dội, nôn ói là những dấu hiệu thường xảy ra khi bị ngộ độc thức ăn.Và tùy theo mức độ nhiễm độc nặng hay nhẹ, mà các triệu chứng trên diễn ra ít hay nhiều.

Thông thường, các bé ngộ độc do độc tố sẽ nôn mửa và đau bụng dữ dội. Còn nếu bé bị tiêu chảy kéo dài kèm theo sốt, thì rất có thể là do ngộ độc nhiễm khuẩn.
3/ Những điều mẹ nên làm khi bé bị ngộ độc thức ăn
Khi bé có dấu hiệu của ngộ độc thức ăn, thì mẹ cần phải ngừng cho bé ăn ngay lập tức và tiến hành gây nôn cho bé. Lưu ý, là khi thực hiện quá trình gây nôn phải hết sức cẩn thận, và nhanh chóng thực hiện ngay sau khi nhận thấy biểu hiện của ngộ độc. Đối với những bé không nôn được thức ăn ra ngoài, thì mẹ cần ngưng ngay hoạt động gây nôn và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện gần nhất.
Nếu bé bị tiêu chảy, thì mẹ cứ để bé đi ngoài, mà không nên sử dụng thuốc cầm tiêu chảy. Vì đi ngoài sẽ giúp bé tống được lượng thức ăn nhiễm khuẩn ra ngoài và nhanh chóng khỏi bệnh.

Bé bị tiêu chảy và nôn mửa sẽ mất đi rất nhiều nước và chất điện giải. Vì thế mẹ cần tiến hành bổ sung oresol cho bé, để kịp thời bù lại lượng nước và chất điện giải đã mất đi. Nhưng lưu ý, là mẹ cần pha dung dịch oresol theo đúng chỉ dẫn ghi trên bao bì, và việc bổ sung phải từ từ từng tí một, và liên tục trong một thời gian.
Và cuối cùng, là mẹ cần hết sức chú ý khi bé nôn ói, và trong lúc bé ngủ. Vì bé rất dễ xảy ra tình trạng nôn thốc, nôn trong tư thế nằm, gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi bé đang nôn mẹ nên chú ý xem bé có bị sặc lên mũi không, nếu có thì phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi cho bé. Và nếu bé nôn trong tư thế nằm, thì mẹ cần đặc đầu bé nghiêng về một bên để tránh tình trạng hít sặc khi nôn.
Theo bsnhi.vn