1. “TRONG NHU CÓ CƯƠNG!”
Đối với trẻ em nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng, cần phân biệt rằng các bạn nhỏ có 2 trạng thái khóc và bùng nổ (ăn vạ, cấu xé, đánh, đập phá…). Hai trạng thái này được phân biệt bởi nguyên nhân của hành vi. Đối với hành vi CHỦ ĐỘNG (liên quan đến não trên), trẻ chủ ý “bán tiếng khóc” của mình để đòi hỏi việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của con. Con hoàn toàn có khả năng ngưng khóc khi con muốn.

Trạng thái THỤ ĐỘNG (liên quan đến não dưới) xảy ra do các nguyên nhân là con sợ, con bị đau, con tủi thân hay khi stress. Trẻ không làm chủ được cơn khóc, vì lúc này , việc khóc trở thành cơ chế bảo vệ tự nhiên của con.
Ngay cả khi phụ huynh không xử lý tốt, cơn khóc ở trạng thái chủ động cũng dễ dàng biến sang dạng thụ động.
Đối với cả 2 trường hợp, chúng ta cũng đều có cùng một cách xử lý là dịu lại và trở nên bình tĩnh (tránh đẩy cảm xúc con lên cao trào). Sau đó nhẹ nhàng giải thích rằng con hoàn toàn có quyền khóc, nhưng khóc sẽ không bao giờ là cách để con có được cái con muốn.
Đừng bỏ ra ngoài, đừng cố đánh lạc hướng, đừng ôm áp và vỗ về…Điều này thể hiện rằng bạn đang xuống nước với bé, và bé sẽ khóc lớn hơn vào lần sau, vì chúng “gần đạt được mục đích” ở lần này.

2. CẦN NHẤT QUÁN TRONG GIA ĐÌNH
Nếu lần nào bạn đi ngang chỗ bắp rang bơ, con cũng giãy nãy đòi mua cho bằng được, bất chấp việc bạn đã kiên quyết giữ vững lập trường, có lẽ bạn nên kiểm tra cách ứng xử của những người thân trong nhà. Rất có thể bạn sẽ bất ngờ khi phát hiện ra ông, bà, những người rất dễ mềm lòng, vẫn thường dừng xe mua bắp cho con mỗi khi đi đón cháu.
Vì khả năng khái quát vấn đề của trẻ tự kỷ không được tốt, nên nếu bé khóc mà có người đáp ứng, thì bé vẫn cho rằng khóc là hiệu quả với mọi người.
3. CẦN CÓ NIỀM TIN
Bạn cần phải có niềm tin rằng cơ thể của con sẽ biết cách tự chăm sóc cho chính mình. Và sự thật rằng những trẻ tự kỷ, có thể khóc nhiều tiếng đồng hồ một ngày, có thể khan tiếng, hay nôn trớ. Nhưng chỉ sau tích tắc, chúng trở nên tỉnh rụi như không có gì từng xảy ra trước đó. Cơ thể con hoạt động, hoàn toàn thuận theo tự nhiên, nên chúng ta có thể yên tâm về điều này.

Nhiều phụ huynh rất sợ khi con khóc, nhất là vì thấy xót con và sợ làm phiền người khác. Điều này là hoàn toàn bình thường và dễ hiểu. Tuy nhiên hãy nghĩ theo một khía cạnh khác, rằng nếu chúng ta không xử lý tốt, thì đến năm 25 tuổi, con sẽ ra sao? Những người lạ mặt đang nhăn nhó kia liệu lúc đó sẽ đến nâng đỡ con?
Tất nhiên là không!
Con khóc, ăn vạ và bùng nổ là một cơ hội tuyệt vời, để dạy cho con cách ứng xử đúng đắn. Bài học này sẽ đi suốt cả đời cùng con, vì vậy nếu xem đây là cơ hội ngàn vàng để dạy con giao tiếp, ta sẽ không còn thấy áp lực mỗi lần con khóc nữa!
Theo daycontuky.com