Chảy mủ tai là triệu chứng thường gặp ở trẻ em bị viêm tai giữa. Đây là một trong những nguyên nhân làm cha mẹ lo lắng và đưa trẻ đi khám bệnh tại Khoa Tai Mũi Họng – BV Nhi Đồng 1. Bài viết sau giúp bạn hiểu rõ về triệu chứng này và chăm sóc trẻ tốt hơn khi trẻ bị chảy mủ tai.
Tại sao trẻ bị chảy mủ tai ?
Chảy mủ tai là triệu chứng của nhiều bệnh. Ở trẻ em triệu chứng chảy mủ tai thường gặp trong:
· Viêm tai giữa cấp hoặc viêm tai giữa mạn mủ (thường gặp nhất)
· Viêm ống tai ngoài mủ; Nhọt ống tai ngoài (ít gặp hơn)
Bạn cần làm gì khi trẻ bị chảy mủ tai ?
Trước tiên bạn cần đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám toàn diện Tai – Mũi – Họng để chẩn đoán đúng nguyên nhân của chảy mủ tai.
· Nếu chảy mủ tai do bệnh viêm ống tai ngoài hoặc nhọt ống tai: các bác sĩ sẽ hút sạch mủ và cho trẻ sử dụng kháng sinh uống trong vòng 5 đến 7 ngày bệnh sẽ khỏi.
· Nếu chảy mủ tai do bệnh viêm tai giữa cấp mủ hoặc viêm tai giữa mạn mủ: bé sẽ được hút sạch mủ, bạn sẽ được các bác sĩ hướng dẫn cách nhỏ thuốc vào tai, vệ sinh tai cũng như cách sử dụng kháng sinh phù hợp. Thời gian sử dụng kháng sinh trong các trường hợp này thường kéo dài 1 đến 2 tuần tùy trường hợp.
Bạn vệ sinh tai cho trẻ như thế nào ?
– Hàng ngày bạn chỉ cần dùng khăn ướt sạch lau mủ chảy ra ngoài cửa ống tai và vành tai.
– Hai ngày một lần bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và hút sạch mủ bên trong ống tai và hòm nhĩ bằng dụng cụ đã được hấp tiệt trùng.
Tuyệt đối bạn không được:
– Tự ý nhỏ tai cho trẻ các loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, vì có một số loại thuốc nếu sử dụng không đúng sẽ ảnh hưởng đến tai trong làm ảnh hưởng đến thính giác của trẻ sau này.
– Tự ý dùng các dụng cụ hút mủ tai không được vô khuẩn sẽ gây bội nhiễm các loại vi khuẩn khác làm cho bệnh dai dẳng khó điều trị.
theo nhidong.org